Tinh Hoa

Phát lộ kho tàng sau 350 năm mất tích nhờ hạn hán

Kho tàng của người Ba Lan chìm xuống đáy sông Vistula sau vụ cướp bóc của người Thụy Điển 350 năm trước bất ngờ phát lộ do nước sông giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thế kỉ qua.||

Những cổ vật bao gồm đá cẩm thạch quý hiếm trang trí tỉ mẩn, công phu từ những tòa lâu đài xa hoa, nhà cửa và thậm chí là cả những ngôi mộ nằm dưới đáy sông Vistula, đoạn chảy qua Warsaw, Ba Lan vừa phát lộ sau gần 4 thế kỉ mất tích, mở ra cơ hội tìm hiểu cả một giai đoạn lịch sử cho các nhà khảo cổ học.

Kho tàng nằm dưới lòng sông Vistula phát lộ sau hạn hán.

Vào thập niên 50 của thế kỷ 17 chính là thời kì được gọi là “Đại hồng thủy” của người Ba Lan. Theo đó, năm 1655, Thụy Điển xâm lược Ba Lan kèm theo những chiến dịch cướp bóc lớn. Những của cải quý giá bị đánh cắp được đưa theo đường sông trở về Thụy Điển. Tháng 10 năm 1656, một xà lan chở 50 – 60 tấn hàng bị đánh chìm gần Warsaw.

Dựa vào kết cấu và khối lượng những cột đá cẩm thạch quý hiếm, các chuyên gia tin rằng người Thụy Điển định dựng lại chúng vào những tòa lâu đài trên đất Thụy Điển. Nó cho thấy giá trị không nhỏ mà kho tàng nằm dưới đáy sông Vistula đang sở hữu.

Ông Jaroslaw Zielinski, một trong những chuyên gia khảo cổ tham gia dự án cho biết: “Tôi rất thận trọng khi đánh giá những vật chứng của lịch sử này. Nằm dưới nước hàng trăm năm nhưng được lớp phù sa bảo vệ, tình trạng của chúng gần như nguyên vẹn”.

Trước khi hạn hán khiến nước sông Vistula xuống tới mức kỉ lục, người ta nhiều lần tìm thấy những chứng tích riêng lẻ về kho tàng dưới lòng sông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên và là cơ hội hiếm hoi để các chuyên gia khảo cổ có thể đánh giá chính xác và tổng quan nhất về kho tàng nằm sâu dưới đáy nước.

Tuy kho tàng khổng lồ được phát lộ nhưng công việc nghiên cứu vẫn chưa thuận lợi như mong đợi. Những tảng đá khổng lồ được trang trí tinh xảo nằm dưới bùn khiến việc nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ bị cản trở. Họ buộc phải chờ nước dâng lên để dùng máy cẩu đưa những hòn đá khỏi bùn đất.

Hồng Duy

Theo Infonet