Vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối trong thời gian qua đã nhận không ít những ý kiến phản hồi, nhiều người cho rằng hành vi của những phụ huynh có xu hướng chiều con quá mức thực chất là đang hại con mình …
Trường hợp cô giáo phạt học sinh (HS) quỳ ở Hà Nội, phụ huynh viết đơn kiện, nhà trường đình chỉ công tác 1 tuần, luật sư khép tội “làm nhục danh dự người khác”, hàng đống những tội danh đặt lên mình một cô giáo đang cố gắng giáo dục cho một đứa trẻ ‘hư’.
Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của cô giáo. Dường như nghề giáo rất dễ bị tai nạn, dễ bị rơi vào đơn độc khi có sự cố xảy ra. Cảm giác cô giáo bị lép vế, không cẩn thận là dễ bị kiện cáo, bị mất việc bất cứ lúc nào…
Ông Nguyễn Quang (Hà Nội) đứng ở góc độ là một phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về sự việc trên như sau: “Xã hội đâu có hiểu về dạy và giáo dục học sinh nhất là học sinh cá biệt của giáo viên. ‘Ở trong chăn mới biết chăn có rận’. Ai là người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi khổ của giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm được nhà trường phân cho lớp có nhiều học sinh cá biệt. Nếu cứ áp hình thức kỷ luật cô giáo mà không suy nghĩ thấu đáo, sẽ dẫn đến việc các giáo viên khác sẽ ‘kệ’ học sinh – đỡ lo mất nghiệp’, vậy nhà trường và xã hội sẽ thế nào?”.
Ví như chị Hoàng Minh Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) là phụ huynh có con đang học cấp 2, chị cũng cho rằng cô giáo xử phạt như vậy không có gì là quá đáng, ngày xưa có ai mà chưa từng bị phạt, đều là giúp con nên người, cha mẹ bênh vực con sẽ khiến con bị ỷ lại. Đôi lúc cha mẹ cũng cần tự đặt câu hỏi cho mình, vì sao những người khác không bị phạt mà con mình lại bị, phải chăng do bản thân đã chưa giáo dục con được tốt.
“Trước đây lứa tuổi chúng tôi, việc bị đánh mắng là sức hết bình thường, và chúng tôi ai cũng nên người”, chị nói.
Hình phạt đình chỉ giảng dạy 1 tuần là quá nặng đối với cô giáo trong khi trước đó cô giáo chưa vi phạm điều gì. Phạt GV như vậy liệu ban giám hiệu đã sinh hoạt quy chế chuyên môn nghiệp vụ đầu năm cho GV hay không? Hay thả nổi để khi có sự cố mới “trảm”? Nhiều người đặt câu hỏi tại sao cô giáo không chọn hình thức xử phạt khác đối với học sinh vậy thì chúng ta cũng hãy đặt ngược lại: “Tại sao nhà trường không có cách xử lý khác đối với cô giáo trong trường hợp này một cách dễ chấp nhận hơn?”
Thời đại của mạng internet cái gì cũng bị tung lên, bị săm soi. Giáo viên lên lớp phải chịu biết bao nhiêu áp lực. Nhất cử nhất động đều bị ghi hình rồi bị dư luận phán xử.
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng lên tiếng “Dạy con mà không cho phạt thì làm sao trẻ tuân thủ pháp luật. Dạy trẻ kiểu đó, phụ huynh trao cho con thông điệp giáo dục gì?”, xưa nay đã có rất nhiều giáo viên sử dụng “roi” để giáo dục nhưng vẫn được học trò vô cùng yêu quý và trân trọng như cha mẹ đẻ.
Nhiều độc giả cho rằng, làm cha mẹ ai chẳng thương con, xót con, muốn cho con những điều tốt đẹp. Nhưng trong trường hợp này cha mẹ thương con không đúng chỗ, vị phụ huynh bênh vực cho những cái sai của con, chẳng khác cổ xúy cho con tiếp tục sai phạm đi bởi đã có cha mẹ ‘chống lưng’ rồi. Vậy thử hỏi vậy bạn đưa con đi học để làm gì?
Ngôi trường là nơi ngoài học về văn hóa, bọn trẻ còn được học về làm người, đó mới là điều then chốt nhất. Cha mẹ cho con đi học, mong muốn con thành tài, nhưng nếu đánh quên mất nhân phẩm thì cũng vô dụng, dẫu có kiếm được nhiều tiền hơn nữa thì cũng không thể giữ được.
Được biết, hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục trẻ bằng hình thức khắt khe là bình thường. Ví dụ, tại Mỹ có đến 19 tiểu bang ở vùng Trung Tây và miền Nam nước này cho phép nhà trường dùng hình phạt đánh học sinh bằng các loại roi dẹt to bản gọi là “paddle”. Thậm chí ở các nước khác như Trung Quốc, Philippines… học sinh sẽ bị phạt quỳ trên hạt bắp, gạo sống, hạt đậu đông lạnh. Thậm chí ở Malaysia là còn cho phép dùng đòn roi với học sinh.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm:
- Vụ cô giáo bắt học sinh phạt quỳ: “Tôi biết thế là sai, nhưng bất lực”
- 13 triệu người Trung Quốc “sống không nổi” với hệ thống chấm điểm công dân
- Cựu hiệu trưởng 5 trường học tại Ấn Độ: “Chân Thiện Nhẫn” giúp tôi trở thành một “hiệu trưởng ôn hòa”