Giữa bối cảnh Trung Quốc bị chính phủ Indonesia lên án là “vô nhân đạo” sau cái chết của hai công dân nước này. Mới đây cảnh sát Indonesia cũng đã tìm thấy thi thể đóng băng của một thuyền viên nước này trên tàu cá Trung Quốc. Nạn nhân được xác định có nhiều vết thương, làm dấy lên nghi vấn bị ‘ngược đãi’ trước khi chết.
AFP đưa tin, cảnh sát Indonesia ngày 9/7 cho biết họ đã chặn 2 tàu cá tại eo biển Malacca sau khi nhận được thông tin rằng một thuyền viên đã chết trên một con tàu.
Sau khi lục soát, lực lượng Indonesia tìm thấy thi thể một thủy thủ trong tình trạng đóng băng. Nạn nhân năm nay mới 20 tuổi. Cảnh sát nghi vấn anh này có thể đã bị hành hạ trước đó và thi thể anh đã bị đặt vào trong thùng cấp đông trên tàu Lu Huang Yuan Yu 117 từ cuối tháng 6, theo phát ngôn viên sở cảnh sát tỉnh Riau, Harry Golden Hart.
“Nạn nhân có nhiều vết thương trên thân thể. Chúng tôi đang tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong”, ông Hart cho biết thêm.
Hàng chục thuyền viên từ Trung Quốc, Indonesia và Philippines đã bị hỏi cung vì bị nghi có thể có liên quan tới cái chết của nạn nhân.
Các chuyên gia chống buôn người cho biết ngành đánh bắt cá đang xảy ra vấn nạn lao động cưỡng ép và những người bị bóc lột có thể phải đối mặt với tình trạng không được trả lương, làm việc quá giờ, bị bạo hành và thậm chí là tử vong.
Những ký ức bị ngược đãi kinh hoàng khi làm việc trên tàu cá Trung Quốc
Theo Dantri, Sepri và Ari là hai công dân Indonesia đã lên một tàu đánh bắt cá ngừ của Trung Quốc vào tháng 2/2019, cặp bạn thân 24 tuổi rất hào hứng với viễn cảnh được hứa hẹn bởi chủ Tàu về những chuyến phiêu lưu trên biển, và hy vọng sẽ mang nhiều tiền về nhà. Tuy nhiên, họ đã không còn được đoàn tụ với gia đình sau hàng tuần bị ngược đãi, làm việc quần quật 18 giờ/ngày mà không được ăn uống đầy đủ, bị đe dọa đánh đập. Thậm chí sau khi qua đời thì bị ném xác xuống biển để cho cá ăn.
Tổng cộng, 24 thuyền viên Indonesia đã lên tàu Long Xing 629, do công ty đánh cá Dailian Ocean (Trung Quốc) sở hữu. Chỉ có 20 người sống sót. Nhân chứng sống sót kể lại rằng:
“Không được nghỉ ngơi, trừ khi chúng tôi ăn uống và cũng chỉ có 5 phút. Họ sẽ rung chuông và gọi chúng tôi tiếp tục làm việc”, Yudha nói.
“Chúng tôi đã cố cầu xin thuyền trưởng đừng làm điều đó”, Yusuf nói và thêm rằng: “Tôi rất buồn và tức giận vì thi thể bạn thân của tôi bị vứt xuống biển. Họ đối xử với con người như động vật. Đó là lý do tại sao những người đó quay video”.
Khi các thuyền viên tung đoạn video hải táng lên mạng, vụ việc đã gây ‘sốc’ cho dư luận. Chính quyền Indonesia lên án tàu cá Trung Quốc hành xử “vô nhân đạo” và yêu cầu Trung Quốc điều tra.
Azizah Hapsari, thành viên Quỹ Công lý Môi trường, nói trường hợp Long Xing 629 chỉ là ‘phần nổi của tảng băng trôi’. Cô nói: “Chúng ta biết về sự việc này nhờ đoạn video đó. Nhưng có bao nhiêu sự việc mà chúng ta không hề hay biết?”.
Lương Phong(t/h)