Với tuổi thọ thường vượt ngưỡng 200 năm, cá voi đầu cong đang đứng đầu trong danh sách những loài động vật sống lâu nhất trên Trái đất.
Cá voi đầu cong (tên khoa học Balaena mysticetus) là dòng cá voi thân sậm không có vây lưng, chiều dài có thể lên đến 20 m và chỉ được tìm thấy trong vùng nước lạnh giá của biển Bắc cực.
Ở nơi heo hút này, cá voi lặng lẽ sống cuộc đời bình dị, sinh sôi và kéo dài tuổi thọ nhờ thức ăn là loài nhuyễn thể. Đây là mẫu hình cho một sự sinh tồn không tưởng nổi của tự nhiên, khi mà một loài có kích thước thuộc dạng lớn nhất thế giới lại sống nhờ một trong những sinh vật đa bào nhỏ nhất của đại dương.
Hầu hết các loài hữu nhũ đều chết sạch trước khi đến ngưỡng 100 tuổi, do vậy sự tồn tại thần kỳ của cá voi đầu cong thu hút sự chú ý của giới chuyên gia. Họ luôn thắc mắc tại sao loài này lại có thể lẩn tránh được tử thần lâu đến thế, không những sống thọ sống khỏe mà còn chẳng có bệnh tật trong suốt thời gian dài.
Joao Pedro de Magalhaes, nhà nghiên cứu của trường Đại học Liverpool (Anh) cho biết, nhóm của ông đã khám phá được một loại gien độc nhất vô nhị với tên gọi PCNA trong cơ thể loài cá voi này, loại gen được cho là có liên quan đến khả năng chống lão hóa của tế bào và tiêu diệt các tác nhân gây ung thư.
Gien PCNA được sao chép với tốc độ cực nhanh, giúp các tế bào phục hồi nhanh chóng, bù trừ tác hại do tình trạng oxy hóa, những yếu tố gây stress trong quá trình sống có hậu quả thường là các căn bệnh như ung thư và tim mạch.
Magalhaes hiện đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính cho dự án tiêm gien PCNA vào chuột và quan sát xem loại gen này có cải thiện khả năng kháng cự bệnh tật ở động vật hay không.
Vào tháng 10/2014, các chuyên gia của Đại học Harvard, Mỹ đã công bố phát hiện của họ về loại gen này và cho kết quả hoàn toàn tương đồng với các đồng nghiệp ở Anh. Do vậy Giáo sư Magalhaes hy vọng kết quả thu thập được sẽ hỗ trợ con người trong lĩnh vực điều trị bệnh tật.
Theo Thanhnien