Một phế tích Chăm Pa từ thế kỷ X vừa được các nhà khảo cổ phát hiện tại khu vực tổ 3, làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Đây là phế tích chìm sâu dưới lòng đất vừa được phát lộ khiến giới khảo cổ học bất ngờ…
– Chiều 2/8, ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, các nhà khảo cổ ở ĐH KHXH&NV (ĐH QG Hà Nội) và Bảo tàng điêu khắc Chăm phối kết hợp khai quật trên khu đất rộng khoảng 500 m2 tại khu vực làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng đã phát hiện một ngôi đền tháp Chăm Pa bị vùi sâu dưới lòng đất. Các công nhân đang tiến hành khai quật khu tháp Qua hơn 1 tháng tổ chức khai quật, khu đền tháp Chăm Pa đã được phát lộ. Qua khảo sát đo đạc, các nhà khảo cổ học đã đo đạc và xác định ngôi đền tháp Chăm-pa này có diện tích khoảng 16x16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ, 1 cửa chính. Hiện các nhà khảo cổ đang mở rộng khu vực để tiếp tục xác định vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ… Ông Nguyễn Xuân Mạnh, cán bộ giảng dạy bộ môn khảo cổ học (ĐH KHXH&NV-ĐH QG Hà Nội), người trực tiếp chỉ đạo công tác khai quật tại khu vực này cho biết, hiện các nhà khảo cổ đang tiếp tục đào bới tìm kiếm để xác định các bậc lên xuống ở các cửa tháp, độ dày của tường tháp, xác định độ rộng của tường tháp, kết cấu nền móng dưới tháp… để làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và trùng tu cho khu tháp sau này. Các nhà khảo cổ học xác định đây là khu đền tháp Chăm Pa có từ thế kỷ thứ X và đang tiến hành khai quật để tìm kiếm các hiện vật cùng như tìm biện pháp bảo tồn khu tháp cổ này. Ngay sau khi khu tháp được phát lộ, chính quyền TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo khoanh vùng bảo vệ và lập hồ sơ di tích để trùng tu và bảo tồn giá trị văn hóa của khu đền tháp này nhằm phục vụ công tác bảo tồn, giáo dục và du lịch. Nền móng của một tòa tháp Chăm-pa có niên đại khoảng 1.000 được phát lộ Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng – ông Võ Văn Thắng cho biết: “Ở khu phế tích này không phát hiện các hiện vật quý giá như lần khai quật trước mà chỉ phát hiện dấu tích nền móng của khu đền tháp rất to lớn”. Đây là cơ sở để khẳng định khu vực này còn tồn tại nhiều phế tích Chăm ẩn khuất trong lòng đất cần được bảo vệ và khai quật Ông Thắng cũng cho biết, mục đích của việc khai quật lần này là để tìm hiểu, xác định quy mô bổ sung vào hồ sơ xây dựng và bảo vệ di tích theo luật di sản. Hướng sắp đến là vừa bảo tồn, khai thác vừa phục vụ giáo dục và du lịch. Vũ Trung |
Theo VietnamNet