Kính thiên văn vũ trụ Kepler phát hiện một hành tinh mới ngoài Hệ mặt trời có khả năng tồn tại sự sống như Trái đất, theo thông tin từ Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).
// Hành tinh, được đặt tên là Kepler-22b, có kích thước lớn gấp 2,4 lần Trái đất và cách chúng ta khoảng 600 năm ánh sáng. Kepler-22b nằm trong vùng ‘có thể tồn tại sự sống’ của ngôi sao mà nó đang quay quanh. Phát hiện này sẽ giúp tăng hy vọng tìm thấy sự sống ngoài hành tinh.
“Phát hiện mới của kính thiên văn Kepler đã ủng hộ những giả thuyết cho rằng chúng ta sống trong một vũ trụ tồn tại nhiều hành tinh có sự sống”, tiến sĩ Alan Boss, nhà vật lý học thiên thể thuộc Đại học Carnegie Melon, cho biết trên Fox News. Các nhà khoa học cho biết, Kepler-22b quay quanh một ngôi sao giống mặt trời theo một quỹ đạo dài 290 ngày, so với quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời là 365 ngày. Khoảnh cách từ Kepler-22b tới ngôi sao của nó gần hơn 15% so với khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trời. Với những đặc điểm giống như Trái đất, nhóm nghiên cứu phỏng đoán nước ở dạng lỏng và một số vật chất cần thiết cho sự sống có thể tồn tại trên bề mặt Kepler-22b. Đây là cơ sở để các nhà khoa học tìm thấy sự sống trên hành tinh này. “Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường tìm kiếm hành tinh ‘sinh đôi’ với Trái đất”, tiến sĩ Douglas Hudgins, thành viên nhóm nghiên cứu Kepler, cho biết. Tháng 2/2011 vừa qua, chương trình không gian Kepler xác định được 54 vật thể vũ trụ nằm trong vùng có thể có sự sống. Tuy nhiên, Kepler-22b là hành tinh đầu tiên được xác nhận có khả năng tồn tại sự sống như trên Trái đất. Hà Hương |
Theo VietnamNet