Các nhà khảo cổ học người Ý vừa công bố đã tìm thấy dấu tích của công trình Cổng Địa Ngục được nhắc đến trong thần thoại cổ đại Hy Lạp.
Quần thể kiến trúc bao gồm một hang động chứa khí độc chết người và cổng vào có tên gọi là Cổng Địa Ngục (Ploutonion trong tiếng Hy Lạp hay là Plutonium trong tiếng La Tinh) đã được phát hiện ra giữa một đống đổ nát ở phía Tây Nam đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Di chỉ khảo cổ này được tìm thấy tại khu vực thành phố cổ Phrygian trong quần thể di tích “Thành phố linh thiêng” – di sản văn hóa thế giới Hierapolis, hiện nay là thành phố Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả nghiên cứu đã được một nhóm các nhà khoa học do Francesco D’Andria, giáo sư khảo cổ thuộc trường đại học Salento nước Ý, công bố tại một Hội nghị về khảo cổ học vừa diễn ra ở Istanbul tháng 3 vừa qua.
Giáo sư D’Andria và các cộng sự của ông đã nghiên cứu ở đây trong nhiều năm, và một trong những thành tựu đáng chú ý của họ là việc phát hiện ra ngôi mộ của Thánh Philip, một trong 12 sứ đồ của Chúa Jesus, vào 2 năm trước.
Từ miệng hầm đi vào sâu bên trong là một khoảng không gian bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, khiến cho người ta khó có thể quan sát được mọi thứ.
Bất kỳ loài động vật nào tiếp xúc trực tiếp với lớp sương mù này đều bị giết chết ngay lập tức. Những nhà nghiên cứu đã thả một con chim vào miệng hầm, và con chim đó đã chết ngay lập tức mà không kịp bay ra.
Được thành lập vào khoảng năm 190 TCN bởi vua Eumenes II của vương quốc Pergamum (197-159 TCN), “Thành phố linh thiêng” Hierapolis sau đó bị người La Mã chiếm đóng vào năm 133 TCN.
Thành phố Hy Lạp cổ đại tiếp tục phát triển thành một thành phố La Mã hưng thịnh với những ngôi đền, nhà hát… và đặc biệt nhất là những suối nước nóng linh thiêng được cho là có khả năng chữa nhiều loại bệnh tật.
Những suối nước nóng ở Pamukkale được hình thành từ lớp trầm tích travertine trắng nổi tiếng có nguồn gốc từ các hang động ngầm trong khu vực. Những nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của Plutonium trong khi đang cố gắng tìm kiếm và phục dựng những công trình suối nước nóng thời cổ.
Dấu tích của công trình nổi tiếng trong thần thoại nằm giữa hàng loạt những phế tích hoang tàn, có thể là kết quả của những trận động đất lớn trong quá khứ.
Ở phía trên, người ta cũng tìm thấy dấu tích của một ngôi đền, một hồ chứa nước và rất nhiều những bậc thang bằng đá. Tất cả đều phù hợp với mô tả về Cổng Địa Ngục trứ danh xuất hiện trong các tài liệu cổ.Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hàng cột lonic đặc trưng của kiến trúc Hi Lạp, và trên đỉnh cột là dòng chữ mô tả về các vị Thần tối cao của Địa ngục: “Thần Pluto và Thần Kore”.
Người dân có thể đứng xem các nghi lễ linh thiêng từ những bậc thang, nhưng họ không được phép đến gần ngôi đền và cánh cổng. Chỉ có những thầy tu mới được phép đến gần khu vực Cổng Địa Ngục đáng sợ này.
Những người hành hương đến tham gia các buổi tế lễ tại Plutonium sẽ được cho phép thả những con chim nhỏ vào bên trong Địa Ngục để kiểm chứng khả năng giết chóc ghê gớm của nó. Đồng thời người ta cũng giết một con bò đực để hiến tế cho thần Pluto.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về nguyên nhân khiến cho Cổng Địa Ngục trở nên chết chóc như vậy. Bước đầu họ đã xác định được lớp sương mù bên trong hang động thực chất là khí độc Carbon Dioxide.Theo các câu chuyện truyền thuyết thì chỉ có những viên hoạn quan của nữ thần sinh sản Cybele mới có thể đi qua Cổng Địa Ngục mà không hề hấn gì.
Theo giáo sư D’Andria, công trình này từng là một nơi cực kỳ linh thiêng và nổi tiếng trong thế giới cổ đại. Khách hành hương từ khắp nơi đến đây để uống nước trong bể chứa của ngôi đền và ngủ lại xung quanh đó. Khi đó họ có thể sẽ nhận được những lời tiên tri thông qua các giấc mơ.
Điều này là có cơ sở bởi khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng hơi sương bốc lên từ những mạch nước ngầm tại Hierapolis có thể khiến cho con người gặp ảo giác.
“Đây là một phát hiện khảo cổ rất đặc biệt. Nó cũng khẳng định rằng những thông tin mà chúng ta có được từ các nguồn văn học và lịch sử cổ đại, là hoàn toàn có cơ sở trong thực tế”, nhà nghiên cứu Lịch sử La Mã tại trường Đại học Palermo Alister Filippini nhận xét.
Đến thế kỷ thứ VI, Plutonium bị các tín đồ Ki-tô giáo đập phá và bắt đầu trở nên hoang phế. Rồi thời gian và những trận động đất rất lớn trong vùng đã tiếp tục công cuộc hủy hoại trong suốt hàng ngàn năm tiếp theo để biến nó hoàn toàn trở thành một phế tích như bây giờ.
Công trình Cổng Địa Ngục Plutonium đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người Hi Lạp mãi cho đến thế kỷ thứ IV nhưng đã dần đánh mất đi vị trí của mình trong 2 thế kỷ tiếp theo sau đó.
Theo VTC