Các nhà thiên văn từ Tây Ban Nha và Anh trong một báo cáo nghiên cứu vừa cho biết: “Hành tinh X đang phá hủy hệ Mặt Trời, một số thiên thể lớn do kết quả lực hút của nó đã rời khỏi Thái dương hệ”.
Các nhà khoa học sử dụng thông số hiện có về hành tinh X tiến hành mô phỏng máy tính để xác định tác động của hành tinh này với chuyển động của 6 thiên thể ngoài ở quỹ đạo của sao Hải Vương (Neptun).
Cuộc mô phỏng cho thấy rằng ba trong số sáu đối tượng: 2004 VN112, 2007 TG422 và 2013 RF98 (đường kính của những thiên thể này trong khoảng 100 – 300km), sau vài chục triệu năm nữa có thể bị hành tinh X ném ra khỏi hệ Mặt trời dưới ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của nó.
Về khả năng phát hiện hành tinh X bên ngoài quỹ đạo của sao Diêm Vương (Pluton) thì các nhà khoa học đã thông báo từ giữa tháng 1/2016. Hệ thống hành tinh tiềm năng thứ 9 xoay xung quanh Mặt trời với chu kỳ 15.000 năm.
Theo Phys.org, nghiên cứu được công bố trên nguyệt san số tháng 1 của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia. Daniel Whitmire, giáo sư vật lý thiên văn về hưu kiêm giảng viên toán ở Đại học Arkansas, Mỹ, cho rằng hành tinh thứ 9 hay hành tinh X chưa tìm thấy gây ra mưa sao băng gắn liền với những cuộc đại tuyệt chủng theo chu kỳ cách nhau 27 triệu năm trên Trái Đất.
Dù giới học giả thiên văn vẫn tìm kiếm hành tinh X trong suốt 100 năm qua, khả năng nó thực sự tồn tại rất lớn khi gần đây các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Caltech) phỏng đoán về sự hiện diện của nó dựa trên những bất thường trong quỹ đạo thiên thể ở vành đai Kuiper. Đây là khu vực hình đĩa bao gồm sao chổi và nhiều thiên thể lớn hơn ở phía ngoài Hải Vương tinh. Nếu kết luận của nhóm nghiên cứu ở Caltech chính xác, hành tinh X lớn gấp 10 lần khối lượng Trái Đất và ở xa Mặt Trời hơn 1.000 lần so với Trái Đất.
Theo Khoahocvt