Tại một vùng núi khắc nghiệt của Thụy Điển, người ta đã phát hiện một loài cây thuộc họ tùng bách đã tồn tại từ cách đây 9550 năm và trở thành loài cây sống lâu nhất trên thế giới.
Cái cây mang tên “Old Tjikko” được phát hiện bởi giáo sư Kullman, ĐH Umeå tại Thụy Điển từ năm 2004 và tuổi của nó được xác định bằng cách sử dụng chất carbon-14.
“Trong suốt kỷ băng hà, mực nước biển thấp hơn ngày nay 120 mét và phần lớn vùng ngày nay là biển Bắc nằm giữa Anh – Nauy khi ấy là rừng”, GS. Kullman cho biết.
Với chiều cao chỉ khoảng 4,8m, cây Old Tjikko khá nhỏ bé so với những họ hàng 25m của mình ở núi Fulufjället, Thụy Điển. Tuy nhiên, cây tùng bách tuyệt vời này được công nhận là cây vô tính đơn thân cổ xưa nhất thế giới.
Tjikko nảy mầm từ cách đây khoảng 9.550 năm, khi vương quốc Anh vẫn còn nối liên với châu Âu bởi một dải băng đá, và các sông băng mới chỉ bắt đầu lùi dần trên vùng Scandinavia.
Cây đã sống vô danh tới năm 2004, khi được nhà địa chất Leif Kullman phát hiện và đặt tên là Tjikko (theo tên chú chó đã qua đời của ông).
Các nhà khoa học đã dùng phương pháp carbon để xác định tuổi của hệ rễ cây – vốn lâu đời hơn thân cây phía trên mặt đất tới hàng nghìn năm.
Phần thân cây thực chất mới chỉ vài trăm năm tuổi, nhưng hệ rễ cây đã sống sót nhờ hiện tượng sinh sản sinh dưỡng (thân cây chết nhưng rễ còn sống và nảy mầm mới) và việc cành cây mọc rễ khi chạm xuống đất.
Gió và nhiệt độ thấp đã khiến cây Old Tjikko trở nên giống như một cây bonsai. Các cây lớn không thể sống được lâu thế này.
Do thời tiết khắc nghiệt trên núi, Tjikko tồn tại dưới dạng cây bụi và mới chỉ đạt chiều cao hiện tại trong thế kỷ qua.
Ngoài Tjikko, thế giới còn có nhiều cây cổ xưa tới không tưởng, như cây thông Methuselah gần 5.000 năm tuổi ở California (Mỹ).
Hay Pando – khu rừng ở Utah (Mỹ) mọc từ một cây duy nhất, ước tính khoảng 80.000-100.000 năm tuổi.
Theo Zing News