Chất độc da cam một lần nữa trở thành chủ đề thời sự. Lần đầu tiên, một dự án nghiên cứu, đánh giá trên thực địa về hậu quả của chất độc da cam sẽ được tiến hành tại Việt Nam và Đông Nam Á, theo nhật báo Libération đăng ngày 25/10/2018.
Theo Libération, “chất độc da cam sẽ được dò xét kỹ lưỡng tại Việt Nam”.Về hậu quả của chất độc da cam và chất distilben, bác sĩ nội tiết nhi khoa Charles Sultan nhấn mạnh với Libération rằng, đó là “những chất gây rối loạn nội tiết cực mạnh, cần được sử dụng làm bằng chứng cho thấy các chất này có khả năng nhiễm vào môi trường tự nhiên và gây hậu quả di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… Không loại trừ khả năng chất glyphosate và nhiều loại thuốc trừ sâu khác được dùng trong nông nghiệp hiện nay có cùng hậu quả”.
>>> Bị nhiễm chất độc màu da cam và hoành hành bởi 12 căn bệnh, một quân nhân đã khỏe mạnh thần kỳ
Libération nhắc lại, tại Việt Nam, trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ rải khoảng 100 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất độc da cam trong chiến dịch “Ranch Hand”. Loại chất này chứa chất dioxin Severo (2,3,7,8-TCDD) vô cùng mạnh và gây hậu quả lâu dài. Khoảng 2 đến 5 triệu người bị nhiễm chất độc này.
Dự án có kinh phí 300.000 euro do một nhóm nghiên cứu khoa học đa ngành (khoa học xã hội, các bác sĩ và các hiệp hội) đề xuất, và được đệ trình ngày 25/10/2018 để thông qua tại Nhà Khoa Học về Con Người ở thành phố Montpellier (miền Nam Pháp). Mục tiêu của dự án là: Điều tra về hậu quả của chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam; hậu quả của các loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ thẩm định hiện trạng về chất độc da cam tại Việt Nam: Xác định các nạn nhân, các loại bệnh mắc phải, các khuyết tật, các vùng bị nhiễm nặng nhất. Tiếp theo, nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu với các mẫu trẻ bị nhiễm chất độc da cam để so sánh với trẻ bình thường. Theo bác sĩ Charles Sultan, nghiên cứu này chưa từng được thực hiện.
Bước thứ ba là nghiên cứu mẫu máu để “làm nổi bật dư lượng chất dioxine, thuốc trừ sâu” nhằm tìm hiểu liệu nạn nhân bị nhiễm trực tiếp từ thức ăn, hay do di truyền. Cuối cùng, một phòng thí nghiệm sẽ lấy mẫu tóc để nghiên cứu tác động của thuốc trừ sâu tại Việt Nam, cũng như ở Cam Bốt, Thái Lan và Lào.
Sử gia Pierre Journoud hoan nghênh sự ủng hộ của Việt Nam trong việc cho phép nhóm điều tra truy cập nhiều tài liệu lưu trữ mới. Theo ông, mục đích là “xem xét lại cuộc chiến hóa học và thoát khỏi định hướng thuần túy mang tính nhân đạo. Chính quyền miền Nam Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong việc sử dụng hàng loạt các loại thuốc diệt cỏ này?” Sử gia người Pháp ý thức được rằng đây là chủ đề nhạy cảm giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nguy cơ “đấu với cối xay gió” khi đề cập đến việc sử dụng thuốc trừ sâu trong xã hội ngày nay.
Libération trở lại vụ kiện trường kỳ của bà “Trần Tố Nga, một cuộc đời bị đầu độc”. Từ Pháp, cựu phóng viên của hãng thông tấn Giải Phóng kiện các công ty Mỹ đã cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt và với chính bà, được Trần Tố Nga kể lại trong cuốn Ma Terre empoisonée (tạm dịch: Mảnh đất nhiễm độc của tôi).
>>> Monsanto bị Bayer thâu tóm: Công ty hóa chất bị ghét nhất thế giới có thực sự xóa sổ?
Theo RFI