Đối mặt với nguy cơ thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày càng cao, các công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang tiếp tục di chuyển sang các nước khác, và Việt Nam và Thái Lan đang trở thành điểm đến ưa thích của họ.
Fred Perrotta đã mất 4 năm để xây dựng một mạng lưới các nhà cung cấp ở Trung Quốc cho dòng sản phẩm ba lô thời trang của mình, nhưng ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế quan cho gần một nửa số hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ông bắt đầu tìm kiếm nhà cung cấp ở các nước khác.
>>> Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu, công ty chip của Trung Quốc điêu đứng
Hiện tại, không còn cách nào để thay đổi xu hướng này. Tortuga, công ty của Perrotta, đang diễn ra thay đổi lớn nhất trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Việc thay đổi này đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để xây dựng lại cơ sở mới và chuỗi cung ứng ở các nước láng giềng bên ngoài Trung Quốc.
Perrotta nói qua điện thoại từ Oakland, California, nơi ông gần đây đã nhận các mẫu đầu tiên từ một nhà cung cấp tiềm năng tại Việt Nam: “Mọi người đều lo lắng và tranh đua nhau”.
“Về lâu dài, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi mọi thứ”. Cuộc cạnh tranh này là hệ quả từ nguy cơ thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày càng cao. Và mọi người lo ngại rằng, nền kinh tế mới ở các nước xung quanh chỉ có thể tiếp nhận các doanh nghiệp mới trên cơ sở “ai đến trước được phục vụ trước”.
Việt Nam và Thái Lan đang trở thành điểm đến ưa thích, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn từ thói quan liêu, đến thiếu lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng hạn chế.
Hoạt động sôi nổi
Các cuộc phỏng vấn của Reuters với những giám đốc điều hành công ty, luật sư thương mại và các nhóm vận động hành lang trong các ngành công nghiệp đã cho thấy hàng loạt hoạt động trên khắp châu Á trong những tháng gần đây. Các nhà điều hành đang thử nghiệm các mẫu sản phẩm, tham quan các khu công nghiệp, thuê luật sư và gặp gỡ các quan chức.
Vào tháng 6/2018, nhà sản xuất đồ nội thất Hong Kong Man Wah Holdings đã mua một nhà máy ở Việt Nam với giá 68 triệu USD và cho biết, họ dự kiến sẽ mở rộng diện tích gấp ba lên 373.000 mét vuông vào cuối năm 2019.
Man Wah nói trong một tuyên bố: “Việc này là để giảm thiểu những rủi ro do thuế quan”.
BW Industrial, nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cho biết, các nhu cầu thuê bất động sản đã tăng từ hồi tháng 10/2018 và tất cả các nhà máy của công ty đều được cho thuê.
Chris Truong, một quản lý bán hàng tại BW Industrial nói với Reuters: “Các nhà sản xuất đến từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả họ đều có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc và họ muốn bắt đầu sản xuất càng sớm càng tốt”.
Tại Thái Lan, công ty SVI Pcl cung cấp các giải pháp điện tử cho biết, họ vừa chốt 4 hợp đồng mới trị giá khoảng 100 triệu USD với các khách hàng. Những khách hàng này hiện cũng đang hoạt động tại Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Pongsak Lothongkam nói: “Cuộc chiến thương mại đem lại lợi ích cho chúng tôi. Có nhiều công ty cần được ưu tiên đã tìm đến chúng tôi”.
CEO Pitharn Ongkosit của KCE Electronics, nhà sản xuất bảng mạch in (PCB) lớn nhất Đông Nam Á, nói với Reuters rằng, họ đã được các công ty Hoa Kỳ liên hệ để tìm kiếm một nhà cung cấp mới nhằm thay thế cho nhà cung cấp ở Trung Quốc.
Ông nói: “Đó là một cơ hội tốt. Nhiều khách hàng đã liên hệ với chúng tôi để hỏi về sản phẩm và giá thành. Nhưng để tạo doanh thu vẫn còn cần thời gian”.
Stars Microelectronics Pc, một nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử của Thái Lan, cũng đang có nhiều hoạt động mới.
Giám đốc điều hành Peerapol Wilaiwongstien nói: “Hai hoặc ba công ty sẽ bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất của họ (ra khỏi Trung Quốc) sang bên chúng tôi sớm”.
Campuchia cũng đang thu hút sự quan tâm, nhà sản xuất xe đạp Kent International Inc đã chuyển việc sản xuất ở Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á này.
Arnold Kamler, chủ sở hữu chính của công ty và là giám đốc điều hành nói với Reuters: “Chúng tôi là một doanh nghiệp lớn ở Hoa Kỳ. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét cách nhanh chóng nhất có thể để chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc”.
Gián đoạn
Các nỗ lực tìm lại nguồn cung ứng và tái định cư đánh dấu một xu hướng phát triển khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang các dịch vụ, tiêu thụ và sản xuất công nghệ cao.
Việc chuyển đổi sản xuất có thể mất nhiều năm để hoàn thành: Các công ty cần đảm bảo về nguồn vốn, tìm nhà cung cấp phù hợp, phân loại hậu cần, đồng thời xử lý các vấn đề pháp lý và kế toán mới ở một quốc gia mà họ có thể không biết rõ.
Aidan Yao, chuyên gia kinh tế Châu Á cấp cao của AXA Investment Managers cho biết: “Việc di chuyển khỏi Trung Quốc sẽ rất chậm và rất không chắc chắn”.
Hàng hóa công nghệ thấp và sản xuất giá trị thấp sẽ di chuyển nhanh nhất trong khi hàng xuất khẩu giá trị cao thuộc ngành máy móc, vận tải và CNTT có thể mất nhiều thập kỷ để di dời do chi phí R&D cao và chi phí lao động cạnh tranh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò khách hàng khu vực do Citi tiến hành vào tháng 10/2018 cho thấy, hơn một nửa trong số họ đã điều chỉnh chuỗi cung ứng để hạn chế biến động trong kinh doanh.
>>> Công ty dịch vụ xe đạp công cộng tại Trung Quốc phải đóng cửa vì mất cắp… 90% xe
Hồng Liên, theo Epoch Times