Không khó để bắt gặp hình ảnh ông bố chăm con tại đất nước Phần Lan. Nơi đây còn được gọi là “thiên đường của chốn thiên đường” trong vấn đề bình đẳng giới và hòa hợp gia đình. Các ông bố đều biết san sẻ việc chăm sóc con cái cùng với vợ của mình.
6/12 vừa qua, Phần Lan chính thức tròn 100 tuổi, kể từ ngày tuyên bố độc lập vào năm 1917. Quốc gia nhỏ bé có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt này (hơn 6 tháng mùa đông lạnh có tuyết rơi) lại được mệnh danh là “thiên đường của chốn thiên đường”. Đây cũng là quốc gia duy nhất mà các ông bố mới là những người dành nhiều thời gian cho con hơn cả các bà mẹ.
“Thiên đường của chốn thiên đường”
Những quốc gia Bắc Âu được coi như chốn thiên đường trong vấn đề bình đẳng giới và hòa hợp gia đình.
Ở đây, người ta không khó để bắt gặp cảnh tượng những ông bố chăm sóc con, dẫn con đi chơi, các bà mẹ thì thoải mái hưởng thụ những đợt nghỉ thai sản dài lê thê mà vẫn được trả lương và trẻ em được chăm sóc y tế miễn phí.
Trong số đó, Phần Lan được coi như “thiên đường của chốn thiên đường”, nơi mà theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, là quốc gia duy nhất có các ông bố dành nhiều thời gian cho con hơn cả các bà mẹ.
Cụ thể, thời gian chênh lệch này là tám phút mỗi ngày, con số tuy không nhiều nhưng lại là thành quả mà chẳng quốc gia nào có được.
Ngoài ra, theo Báo cáo về Khoảng cách giới toàn cầu vào năm 2016, Phần Lan là nước có sự bình đẳng giới cao thứ hai trên thế giới và theo báo Kinh tế, đây cũng là nước tốt thứ ba trên thế giới cho các bà mẹ đi làm.
Làm thế nào để một quốc gia bé nhỏ với 5,5 triệu dân làm được những điều này?
Đây là kết quả tổng thể từ nhiều khía cạnh, từ sự quyết tâm và nỗ lực của chính phủ Phần Lan trong các vấn đề từ chính trị cho tới kinh tế, xã hội.
Và quan trọng hơn, ở đây người ta luôn cố gắng trả lời câu hỏi như thế nào thì tốt cho trẻ em, thay vì câu hỏi như thế nào thì tốt cho người lớn.
Theo bà Annika Saarikko, Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội và Gia đình Phần Lan, đây không phải là vấn đề về quyền của người cha hay người mẹ, mà là quyền của đứa trẻ được ở cạnh cả bố lẫn mẹ.
Phần Lan tin người cha đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em. Chính phủ nước này cho phép mỗi năm các ông bố được nghỉ tới chín tuần để chăm sóc con, trong đó họ vẫn được hưởng 70% lương.
Và để khuyến khích các ông bố tận dụng lợi ích trên, mới đây, chính phủ Phần Lan còn đưa ra một chiến dịch mới với các tờ rơi có hình ảnh một công nhân xây dựng lực lưỡng đang đẩy xe nôi mang tên “Đã đến giờ của bố rồi!”
“Những năm đầu đời của đứa trẻ là rất quan trọng và chúng tôi tin vào việc đầu tư vào đó”, bà Annika chia sẻ.
Đất nước mà phụ nữ được công ty “ưu ái”, chính phủ “tạo điều kiện”, còn chồng thì “chia sẻ”
Bản thân Bộ trưởng Annika là một ví dụ điển hình của sự tự do tuyệt vời mà người phụ nữ có được khi sống ở Phần Lan.
Bà Anika mới 33 tuổi, có một con lên ba tuổi đang đi nhà trẻ, chồng vẫn đi làm toàn thời gian nhưng bà vẫn có thể đảm nhận xuất sắc vai trò của một bộ trưởng.
Phần Lan là quốc gia thứ hai trên thế giới cho phụ nữ quyền bầu cử, và là nước đầu tiên cho phụ nữ toàn quyền chính trị vào năm 1906. Ngày nay, có 42% các vị trí trong Quốc hội là do phụ nữ đảm nhận, trong khi ở Mỹ con số này chỉ là 19,6%.
Ở Phần Lan, khi có con các gia đình trẻ không cần phải lo về các chi phí y tế dành cho em bé. Nếu không có biến chứng, các mẹ bầu có thể được thăm khám từ 11 đến 15 lần trước khi sinh hoàn toàn miễn phí, và chi phí sinh con cũng rất thấp.
Trong khi đó ở Mỹ, chi phí một ca sinh thường khoảng 10.000 USD, còn sinh mổ sẽ là 15.000 USD.
Ngoài ra, trong 80 năm qua, các bà mẹ khi sinh con đều được tặng một “chiếc hộp em bé”, trong đó có đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho em bé như quần áo, đồ vệ sinh… tất nhiên là với màu sắc trung tính để phù hợp cho cả con trai và con gái.
Những nỗ lực này đã giúp Phần Lan trở thành một trong số những nơi có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới, 1,7/1000 ca sinh vào năm 2015.
Sau khi sinh con, các bà mẹ Phần Lan được nghỉ khoảng bốn tháng còn các ông bố cũng được nghỉ hơn hai tháng mà vẫn hưởng lương.
Thậm chí cả sau khi thời hạn này kết thúc, bố hoặc mẹ vẫn có quyền ở nhà và được trả 450 Euro mỗi tháng, và quay trở lại với công việc khi đứa trẻ được ba tuổi.
Sami Sulin, một nhân viên ngân hàng 35 tuổi đã tận dụng cơ hội hết sức để ở bên con gái. Anh đã ở nhà hoàn toàn 10 tháng cho đến lúc cô bé được 10 tháng tuổi và cho biết ngày càng có nhiều người bạn của anh cũng làm như thế.
“Chẳng ai thấy chuyện này là tiêu cực. Người ta nhận thức được rằng các ông bố cần phải tham gia vào cuộc sống gia đình”, Sami cho biết.
Các công ty cũng rất hợp tác trong việc tạo điều kiện cho các nhân viên có gia đình. Giờ làm thường bắt đầu vào khoảng 8 giờ sáng và kết thúc trong khoảng từ 4 -5 giờ chiều, giúp các ông bố bà mẹ dễ dàng lo chuyện con cái, cơm nước.
Anh Petri Louhelainen, 41 tuổi, một doanh nhân trong lĩnh vực kỹ thuật cũng tâm sự:
“Khi ở nhà, tôi tham gia vào tất cả các công việc, đó là điều bình thường. Các ông bố đang tham gia vào cuộc sống của bọn trẻ nhiều hơn, theo kinh nghiệm của tôi, thường thì bố là người dẫn chúng đi chơi”.
Chị Kirsi Louhelainen, vợ anh Petri thì hài lòng chia sẻ: “Petri lo tất cả chuyện ăn mặc của con cái. Tôi thấy việc đó rất căng thẳng. Còn tôi thì nấu ăn nhiều hơn. Việc chia sẻ gánh nặng rất tự nhiên và tuyệt vời”.
Ngoài đó ra, Phần Lan còn sở hữu nhiều cái “nhất” khiến cả thế giới phải nể phục như: Nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng cực quang. Nơi sở hữu rừng và nước lớn nhất châu Âu. Nơi có khung cảnh ăn uống sống động và sáng tạo nhất châu Âu. Nơi bắt nguồn của Ông già Noel. Nơi thích hợp nhất để trượt tuyết. Nơi có bầu không khí trong lành nhất. Nơi có hơn 3 triệu Saunas (xông hơi) – Tỉ lệ Saunas trên đầu người lớn nhất thế giới. Nơi an toàn nhất thế giới. Nơi tiêu thụ cà phê trên đầu người cao nhất thế giới. Là quốc gia của Angry Birds (trò chơi Angry Birds nổi tiếng một thời lại là Phần Lan) và nhiều điều bất ngờ khác. Và, nơi lý tưởng nhất để làm mẹ hoặc… trẻ con.
Chúc Di (t/h)