Một thai phụ gần đến ngày sinh đã bị một số người hành hung phải nhập viện cấp cứu khi cùng hàng trăm người dân phản đối hoạt động gây ô nhiễm môi trường của trạm nghiền đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn ở Hải Phòng.
Sáng 16/7, cho rằng trạm nghiền tại mỏ đá A của Công ty Xi măng Phúc Sơn có nhiều hoạt động vi phạm quy định khai thác khoáng sản, gây hư hại nhà dân và ô nhiễm môi trường…, hàng trăm người dân 3 thôn 9, 10 và 11 của xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đã tập trung về đây phản đối những hoạt động này.
Họ yêu cầu công ty dừng nổ mìn khai thác đá cho đến khi giải quyết xong vấn đề tồn tại và chờ đợi người đại diện ra làm việc song không thấy ai. Đến 9 giờ, 3 chiếc ôtô đi tới, khoảng 20 người đàn ông bước xuống hòa vào đám đông.
Nhiều người dân cho hay, 10 người trong số này đã có hành vi ngăn cản, xô đẩy, đe dọa, giật điện thoại khi họ ghi lại sự việc.
Chị Phạm Thị Hương kể, chị đã bị một người đánh, giật điện thoại rồi ném xuống đất, dù nói đang mang bầu, chị vẫn bị anh ta đe dọa tính mạng, bảo “chửa tao cũng đánh”, sau đó chị còn bị hai người đàn ông khác xốc nách, đá vào chân rồi kéo đi. “Khi tôi khụy xuống, xỉu dần, họ mới thả“, chị nói và cho hay, một phó công an xã An Sơn đứng gần đó đã hô hào người dân đưa chị về đi cấp cứu.
Trao đổi với VnEpress, bác sĩ Bệnh viện Nhị Chiểu (Hải Dương) cho biết, chị Hương nhập viện lúc 11 giờ 40 phút trong tình trạng kêu đau ở bụng. Chị đang mang thai tuần thứ 32 tuần, hiện có triệu chứng dọa đẻ non.
Chiều 16/7, đại diện Công ty Xi măng Phúc Sơn, Giám đốc Hành chính Hsu LiangChen cho hay, “không thuê ai đến” trạm nghiền đá mà chỉ báo tin sự việc cho duy nhất Công an huyện Thủy Nguyên. Phía Phúc Sơn cũng mong Công an Hải Phòng làm rõ vụ xô xát để tránh việc hiểu nhầm “công ty thuê xã hội đen”.
Cũng trong buổi chiều, gặp hàng trăm người dân tại trụ sở UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Hoàng, hứa sẽ yêu cầu làm rõ việc thai phụ Hương bị hành hung. “Nếu đúng có công an tham gia xô xát, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý“, ông Hoàng nói.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hiện khoảng 250 hộ dân cho rằng cuộc sống đang bị ảnh hưởng do việc chậm bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ khai trường khai thác đá.
Chính quyền huyện cho hay tờ trình về giá đất bồi thường đã được chuyển lên thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường từ tháng 5 để xin ý kiến nhưng đến nay chưa thấy trả lời. “Bà con yên tâm đến ngày 30/7 huyện cam kết sẽ làm xong thủ tục, thanh toán bồi thường cho các hộ dân có đầy đủ giấy tờ trước, sau đó mới đến các hộ dân còn vướng mắc về thủ tục…” ông Hoàng nói.
Theo VNE