Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 10/11 để góp ý các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều vấn đề “ngoài vòng pháp luật” cũng được đưa ra cân nhắc.
Tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an Hà Nội) đặt vấn đề: Sau “một loạt vụ việc” xảy ra, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo, diễn ra ở tất cả các cấp ngành địa phương. Đơn cử như ở Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 50% vì các cán bộ “chùn tay”. Do đó ông cho rằng nếu muốn đổi mới, đột phá thì ắt phải “bảo vệ được cán bộ”. Và thực tế cho thấy, nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật.
“Do đó chúng tôi đã xây dựng quan điểm để bảo vệ cán bộ dám đổi mới sáng tạo và có những quan điểm đột phá. Theo đó tôi đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ, đặc biệt là cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.
Tán đồng quan điểm trên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị thư ký ghi rõ, nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu đã tỏ tâm đắc với nội dung xây dựng cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề này để đảm bảo cơ chế vận hành được trong thực tế.
Tại tổ Bến Tre, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết từ Đại hội VI đến nay, ông đều thấy văn kiện đề cập đến “báu vật” là niềm tin của dân với Đảng. Ông nói đến vụ Thủ Thiêm đã thất hứa nhiều lần và nhắc nhở: Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Đại biểu cũng nhìn nhận sự xuống cấp về phẩm chất đã là “ung thư về mặt chính trị”.
Ông Nhưỡng cho rằng kiểm soát quyền lực là nguyên tắc rường cột của nhà nước pháp quyền, nhưng hiện nay vấn đề này đang bị vi phạm rất nhiều, đặc biệt là ở nhiều địa phương cán bộ như cường hào, nói một đằng làm một nẻo.
Đại biểu nhận xét, Thủ tướng vừa rồi đã nhận câu chất vấn về văn hoá từ chức nhưng “ít cán bộ của chúng mình làm được điều ấy”.
Từ Thức (t/h)