Tinh Hoa

Phải chăng thị trường chứng khoán sụt giảm vì bất ổn xã hội?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng thị trường chứng khoán VN vừa qua lao dốc là do căng thẳng thương mại Mỹ Trung chứ chưa thể nói vì bất ổn trong xã hội.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (Ảnh: Báo Mới)

 “Tôi thận trọng trước ý kiến rằng biểu tình và hai dự án luật, An ninh mạng và Đặc khu kinh tế, gây ra bất ổn kinh tế gần đây“, ông Lê Đăng Doanh cho biết.

‘Không phải do biểu tình’

Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang có biến động, đã sụt giảm từ ngày 18/6, đến ngày 19/6 vẫn tiếp tục sụt“, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Nhưng điều này là do thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, và tác động của việc nâng lãi suất đồng đô la“.

Cho đến nay tôi thận trọng và chưa nghĩ là biểu tình lớn đến mức tạo ra sự bất ổn về kinh tế hay xã hội đến mức nhà đầu tư nước ngoài phản cân nhắc và thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam”.

“Theo tôi, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện và các ưu thế về đầu tư ở Việt Nam vẫn đang tồn tại”.

“Chưa có dấu hiệu gì cho thấy có các tác động tiêu cực, nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Vừa qua ngân hàng thế giới công bố một báo cáo cập nhật về kinh tế của Việt Nam. Trong đó họ tiếp tục có quan điểm lạc quan là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ cao”.

“Hi vọng các vụ biểu tình sẽ được giải quyết thông qua đối thoại và giải quyết các nhu cầu cấp bách của người dân để Việt Nam tiếp tục phát triển và ổn định“.

Cần sửa Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu

Đến nay tôi chưa thể nói Luật An ninh mạng đóng góp phần chủ yếu hay đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sự sụt giảm của thị trường chứng khoán mặc dầu việc này đã diễn ra ngay sau khi Quốc Hội thông qua luật đó“, ông Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội thừa nhận tác động tiêu cực của Luật An ninh mạng đối với nền kinh tế số hóa của Việt Nam“, ông nói.

Hiện nay nền kinh tế số là liên kết giữa các doanh nghiệp với các công ty nước ngoài trong một chuỗi giá trị. Các công ty giao dịch, trao đổi thông tin với nhau và có bí mật thương mại”.

“Nếu ta can thiệp vào bí mật thương mại đó thì họ sẽ thận trọng và dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam, dẫn đến việc tiến bộ của nền kinh tế số hóa và vận dụng công nghệ thông tin bị chậm lại, và có thể có các trở ngại nghiêm trọng hơn”.

“Vì thế một số sứ quán nước ngoài, cơ quan đầu tư và hiệp hội của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại, không đồng tình với luật này”.

“Kinh nghiệm thời gian vừa qua là Luật Bảo hiểm của Việt Nam trước khi được thực thi đã gây ra biểu tình rất lớn ở miền Nam, và sau đó thì được sửa đổi”.

“Đấy cũng là kinh nghiệm tốt để tham khảo, cho thấy chính phủ Việt Nam có thể lắng nghe ý kiến của người dân để có những điều chỉnh phù hợp”.

Ông Lê Đăng Doanh nói chính phủ cần lắng nghe, đối thoại với dân để tiến hành cải cách, thực hiện chính phủ điện tử nhằm kết nối doanh nghiệp với bộ ngành. Như vậy vừa giảm bớt chi phí, vừa nâng cao năng lực canh tranh.

Ông cũng đề xuất sửa đổi Luật An ninh mạng để tranh gây trở ngại cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Về dự Luật Đặc khu kinh tế, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính phủ cần mời những hiệp hội, cá nhân từng nêu ý kiến thời gian qua dẫn đến việc lùi thời gian thông qua luật tới cùng bàn bạc, góp ý để có những sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của dân.

Chúng tôi đã có những lần làm việc về soạn thảo và sửa đổi luật suốt đêm. Từ nay đến tháng 10 còn nhiều ngày và đêm để sửa luật đó. Vấn đề không phải thời gian mà là quyết tâm chính trị và nhận thức, nhìn vào sự thật, lắng nghe và đối thoại với dân“.

 Theo BBC