TP – Chiếm gần 50% thị phần xăng dầu trong nước, nhưng Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex khiến dư luận nghi ngại khi điều hành công ty con ở nước ngoài lỗ cả nghìn tỷ đồng trong quý IV/2014 khiến lợi nhuận cả năm 2014 sụt giảm mạnh, dù trước đó tập đoàn công bố đã lãi 1.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Dư luận đặt câu hỏi: Hoạt động gây thua lỗ của Petrolimex Singapore có “gây áp lực” với hoạt động của Petrolimex trong nước. Ảnh: Hồng Vĩnh. Trong báo cáo nhanh gửi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tháng 12/2014, Trưởng nhóm đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại Petrolimex (là ông Bùi Ngọc Bảo, hiện giữ chức Chủ tịch Petrolimex) cho biết, năm 2014, tình hình thế giới và địa chính trị diễn biến phức tạp, giá dầu thế giới giảm sâu, liên tục và kéo dài đã tác động vô cùng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của Petrolimex Singapore (công ty con của Petrolimex) làm cho kết quả kinh doanh năm 2014 của công ty này phát sinh lỗ lớn. 11 tháng công ty lỗ khoảng 14,82 triệu USD, dự kiến cả năm lỗ khoảng 31,38 triệu USD (mặc dù 9 tháng đã có lãi lũy kế trên 100 ngàn USD). Báo cáo cũng cho thấy, nguyên nhân lỗ chủ yếu do mua hàng đưa về gửi tại kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong ở thời điểm giá dầu thế giới đang cao (bình quân 120,91 USD/thùng) nhưng do giá dầu giảm mạnh nên rất khó bán, dẫn đến tồn kho dài ngày. Cùng đó, hoạt động phái sinh cũng chịu ảnh hưởng tương tự nên phát sinh lỗ dự kiến khoảng 2 triệu USD. “Hiện Petrolimex Singapore đang đứng trước thực tế kết quả kinh doanh bị lỗ lớn và không có khả năng thanh toán”, báo cáo gửi Bộ Công Thương cho biết. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả kiểm tra tại Petrolimex Singapore (PLS), đoàn kiểm tra của Petrolimex cho thấy hoạt động của PLS có nhiều vấn đề cần xem xét lại về mặt quản trị. Cụ thể, công ty chưa ban hành các quy chế, quy định, quy trình cụ thể về mua bán, ký kết hợp đồng mua hàng và bán hàng. Một số hợp đồng ký kết chưa thực sự chặt chẽ ở một số điều kiện, điều khoản, hồ sơ lưu trữ một số lô hàng còn chưa đầy đủ. “Công ty chủ yếu thực hiện mua kỳ hạn (năm 2014 chiếm 70%-80%) trong khi thực hiện bán giao ngay (spot) nhiều. Chỉ có khoảng 40%-50% lượng hàng mua kỳ hạn được bán theo kỳ hạn. Phần lỗ chủ yếu là ở các hợp đồng mua kỳ hạn để đưa hàng vào kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm xác nhận việc Petrolimex Singapore thua lỗ nặng có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn. Đại diện Petrolimex cho biết, việc thua lỗ của Petrolimex Singapore tập đoàn đã công khai trong báo cáo kiểm toán. Đây là thông tin mà cơ quan quản lý, người dân và cả chính tập đoàn cũng quan tâm để làm rõ thua lỗ này là do cái gì. “Tập đoàn không né tránh. Khi có kết luận cụ thể, tập đoàn mới có thể phát ngôn chính thức. Tập đoàn hiện đã có quyết định giám sát đặc biệt với đơn vị này. Tập đoàn đã yêu cầu lãnh đạo công ty Petrolimex Singapore, cá nhân Chủ tịch kiêm Giám đốc của công ty phải giải trình, kiểm điểm xem nguyên nhân thua lỗ vì sao. Từ kiểm điểm của lãnh đạo đơn vị, tập đoàn sẽ phân tích, đánh giá nguyên nhân thua lỗ từ đâu và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm”, ông Năm nói. Với hoạt động thua lỗ của Petrolimex Singapore trong quý IV/2014, người dân có thể đặt câu hỏi, phải chăng sự thua lỗ của Petrolimex Singapore là nguyên nhân gây áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex và liệu sự lỗ này có gián tiếp gây sức ép khiến doanh nghiệp phải cân đối lợi nhuận “chỗ nọ bù chỗ kia” không? 9 tháng lãi 1.400 tỷ đồng, cả năm lỗ 9 tỷ đồng Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đã được Công ty Deloite kiểm toán, công bố mới đây cho thấy tập đoàn lỗ hơn 9 tỷ đồng năm 2014 trong khi năm 2013, Petrolimex lãi gần 1.579 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 11/2014, tập đoàn này họp báo công bố kết quả sản xuất – kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt mức lãi 1.400 tỷ đồng trong 9 tháng. |
Theo Tiền Phong