Tinh Hoa

Peru xây tường rào ngăn chặn người nghèo vào thành phố

Bên kia bức tường bê tông rào gai sắt, bao quanh khu dân cư giàu có là nơi những người dân nghèo sống trong khổ cực, thiếu thốn.

Bức tường ngăn cách khu ổ chuột với khu phố sang trọng ở Lima, Peru.

Khoảng cách giàu nghèo có lẽ không ở đâu rõ ràng và gần như tại Lima, Peru. Bức tường bê tông dài 10 km gắn dây thép gai ngăn cách một trong những khu vực đô thị giàu có nhất với nơi nghèo khổ nhất.

Nằm ngoài vùng ngoại ô Lima, Wall of Shame (Bức tường Hổ thẹn) còn có biệt danh là Bức tường Berlin của Peru, được dựng lên để bảo vệ những người giàu có khỏi các cư dân nghèo khổ thường tới đây trộm cắp.

Ranh giới chia cắt Las Casuarinas, nơi ở của những người giàu nhất đất nước và vùng ngoại ô Vista Hermosa, nơi phần lớn dân số sống trong đói nghèo. Thậm chí, họ không có những tiện ích cơ bản nhất cho cuộc sống như nước sạch, điện và chăm sóc y tế.

Lima là thủ đô, thành phố lớn nhất của Peru. Đây là trung tâm văn hóa, công nghiệp, tài chính và giao thông của Peru, nằm tại vùng thung lũng bao quanh cửa sông Chillon, Rimac và Lurin. Trung tâm lịch sử của Lima được UNESCO công nhận là Di sản thế giới bao gồm rất nhiều công trình cổ kính như Quảng trưởng lớn (Plaza Mayor), Dinh Chính phủ, Tu viện Lima, nhà thờ Santo Domingo, Cung điện Torre Tagle, Di chỉ khảo cổ Pachacamac…

Giá vé máy bay từ Việt Nam đến Lima có giá từ 53 triệu đồng một chiều trở lên, phải quá cảnh qua hai điểm dừng.

Những ngôi nhà gỗ được chiếu sáng bằng nến và mái cũ nát tương phản với các mái vòm giá hàng triệu bảng Anh chỉ cách đó vài cây số”, một đài truyền hình địa phương mô tả khung cảnh quanh bức tường.

Dù vậy, đối với người giàu ở Las Casuarinas, Bức tường Hổ thẹn là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho họ. Renzo Alberti, cư dân vùng giàu có cho rằng anh không thấy sự phân biệt đối xử ở đây.

Có rất nhiều bức tường xung quanh thành phố, đó không phải phân biệt đối xử khi chúng tôi ngăn cách với vùng lân cận“, Renzo nói. “Mặc dù, với phía bên kia, họ cho rằng đó là phân biệt khi chia cách chúng tôi với những người nghèo”.

Theo thống kê, 30% dân số Lima từng là nạn nhân của tội phạm. Hầu hết tội phạm đến từ những khu vực nghèo khó. Lý do không mây thuyết phục này biện minh cho sự tồn tại của Bức tường Hổ thẹn. Không lẽ chỉ có người nghèo mới phạm tội, còn người giàu thì không phạm tội?

Sự tồn tại của bức tường thật sự là hổ thẹn cho những người giàu nơi đây, cho Lima và cho cả chính phủ Peru khi đã không làm được gì nhằm giúp đỡ những con người nghèo khổ kia thay vì xây một bức tường chắn.

Hồng Khang