Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi cho biết dự luật cứu trợ COVID-19 tiếp theo sẽ bao gồm các điều khoản nhằm hỗ trợ cho hình thức bỏ phiếu thông qua email và bỏ phiếu trong trường hợp vắng mặt.
Ngày 10/5, bà Pelosi đã thực hiện phỏng vấn với bà Greta Van Susteren trong chương trình Full Court Press của đài Gray TV, nhắc đến những ưu tiên của Đảng Dân chủ đối với gói cứu trợ đại dịch sắp tới, được coi là gói cứu trợ “giai đoạn bốn” hoặc “gói cứu trợ CARES 2”. Bà phát biểu: “Dự luật sắp tới sẽ bao gồm hình thức bỏ phiếu thông qua email. Tôi nghĩ rằng đây là điều cần thiết”.
“Tại bang Wisconsin, có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện giữa những người đang đứng xếp hàng đợi được bỏ phiếu. Chính vì thế, điều này không chỉ vì sức khỏe của nền dân chủ mà nó còn vì sức khỏe của người dân”, bà chia sẻ.
Một báo cáo được công bố ngày 5/5 bởi Quận Milwaukee cho biết, 26 người dân tại quận có khả năng đã bị lây nhiễm COVID-19 trong quá trình bỏ phiếu ngày 7/4. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, 26 người khác cũng có thể đã bị lây nhiễm khi bỏ phiếu hoặc làm việc tại ban kiểm phiếu, mặc dù vẫn chưa rõ trong 26 người đó có bao nhiêu người thuộc ban kiểm phiếu (gồm 67 người) bị lây nhiễm.
Theo tờ Wisconsin State Journal, phát ngôn viên của Bộ Dịch vụ Y tế là Jennifer Miller cho biết, có ít nhất 23 người dương tính với COVID-19 tại bang Wisconsin, họ là những người bỏ phiếu trực tiếp hoặc là nhân viên của phòng phiếu, đồng thời báo cáo các trường hợp có khả năng phơi nhiễm với COVID-19 khác.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Stanford, không tìm thấy bằng chứng về sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 tại bang Wisconsin sau khi cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra. Nghiên cứu được công bố trên medRxiv, một nền tảng nghiên cứu y tế trực tuyến, kết luận việc bỏ phiếu diễn ra tại bang Wisconsin là một hoạt động có nguy cơ lây nhiễm thấp.
“Chúng tôi đã phân tích các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận, và những trường hợp nhập viện mới tại bang Wisconsin trong các tuần xoay quanh cuộc bầu cử ngày 7/4/2020, và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 tại đây”, tác giả nghiên cứu viết.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Pelosi đã nhắc đến bang Oregon như một ví dụ thành công của việc bỏ phiếu qua mail: “Có những bang như Oregon, họ đã thực hiện bỏ phiếu qua mail trong nhiều năm và đã đạt được thành công nhất định, và chắc chắn người dân tại đó cũng hài lòng với điều này”.
Bang Oregon là bang tiên phong tiến hành bỏ phiếu cho cử tri qua mail từ năm 2000, và số trường hợp gian lận được xác nhận là không đáng kể, theo bài viết đăng trên tờ Hill của Amber McReynolds, Giám đốc điều hành Viện Bầu cử tại nhà Quốc gia, và Charles Stewart III, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts,
Các tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra những số liệu thống kê liên quan tới việc bỏ phiếu qua mail tại bang Oregon: “Với hơn 50 triệu phiếu bầu, chỉ có hai trường hợp gian lận được xác nhận và đủ bằng chứng kết tội gian lận phiếu bầu trong suốt 20 năm qua. Con số đó chiếm 0,000004 %, ít hơn năm lần so với tỷ lệ bị sét đánh tại Mỹ”.
Các nhà nghiên cứu của Đại học bang Arizona chỉ ra, những trường hợp gian lận phiếu bầu vắng mặt là phổ biến nhất, kể từ khi bước sang thế kỷ mới, “trong khi việc gian lận phiếu bầu vẫn còn xảy ra nhưng số trường hợp như thế là rất ít”.
Quỹ Di sản – một nhóm chuyên gia nghiên cứu từ lâu đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của gian lận phiếu bầu qua mail.
“Phiếu bầu vắng mặt là cách thức gian lận mà những cử tri thực hiện bởi họ được bầu cử ngoài tầm giám sát của các quan chức bầu cử, khiến cho việc đánh cắp, giả mạo hoặc thay đổi phiếu bầu trở nên dễ dàng hơn cũng như đe dọa các cử tri khác”, ông Hans A.von Spakovsky thuộc Quỹ Di sản viết.
Cơ sở dữ liệu riêng của Quỹ Di sản về tất cả các trường hợp gian lận bầu cử được ghi nhận từ năm 1979, đến nay báo cáo chỉ có 1277 trường hợp cử tri đã “được xác nhận có hành vi gian lận”, mặc dù quản lý truyền thông của tổ chức đã chia sẻ với tờ Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua mail rằng “cơ sở dữ liệu chỉ đại diện cho một vài ví dụ nhỏ về các trường hợp gian lận cử tri có thể xảy ra, không phải là một báo cáo toàn diện về tất cả các trường hợp gian lận cử tri xảy ra trên toàn quốc”.
Một số ý kiến cho rằng sự gia tăng các phiếu bầu vắng mặt làm tăng khả năng gian lận, đồng thời chỉ ra đã có hàng chục triệu lá phiếu bầu gửi qua mail của các cử tri không được công nhận từ năm 2012 đến 2018.
J. Christian Adams, chủ tịch Quỹ Pháp lý Lợi ích Cộng đồng thực hiện xem xét các báo cáo của Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử Liên bang từ bốn cuộc tổng tuyển cử vừa qua, và tổng hợp chúng trong một bản đánh giá, đã chia sẻ: “Việc cho phép Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ nhúng tay vào cuộc bầu cử sẽ là một thảm họa”.
“Trong suốt thập kỷ qua, đã có tổng cộng 28 triệu phiếu bầu sai quy định và bị thất lạc. Điều này cho thấy các cử tri đã có 28 triệu cơ hội để gian lận bầu cử”, ông Adams cho hay. Những quan ngại về việc gian lận bầu cử thông qua bỏ phiếu bằng mail từng gây nhiều tranh cãi đến mức, một báo cáo năm 2008 của Dự án Công nghệ Bỏ phiếu Caltech/Học viện Công nghệ Massachusetts đã đề xuất các bang rằng “cần hạn chế hoặc nghiêm cấm các phiếu bầu vắng mặt được phép bỏ phiếu sớm trực tiếp”.
Huy Hoàng (Theo The Epoch Times)