Hôm 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết giữa 12 quốc gia.
Reuters đưa tin, ông Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định TPP vào sáng 23/1 (giờ Mỹ), thực hiện lời hứa ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Từ lễ ký rút khỏi TPP ở Phòng Bầu dục, tân tổng thống Mỹ nói sắc lệnh này là “điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ”.
Trong suốt hơn 1 năm rưỡi tranh cử, ông Trump liên tục chỉ trích các hiệp định thương mại tự do, coi đây là nguyên nhân chính khiến việc làm của công nhân Mỹ bị mất vào các nước đang phát triển trên thế giới như Mexico, Pakistan và Trung Quốc. Ông đã tuyên bố sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký từ năm 1995 với Mexico và Canada.
Sắc lệnh mới gửi thông điệp tới lãnh đạo các nước trên thế giới rằng, những tuyên bố về bảo hộ mậu dịch của ông Trump trong tranh cử sẽ trở thành hiện thực.
Hiệp định TPP được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama nhưng chưa được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Vì vậy việc rút khỏi TPP không gây ảnh hưởng ngay tức khắc tới kinh tế Mỹ nhưng sẽ gửi thông điệp rất khác về chính sách thương mại mới của Washington.
TPP, có quy mô tới 40% GDP toàn cầu, từng là trụ cột căn bản của chính sách “Tái cân bằng”, chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Mỹ và 11 nước châu Á – Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực chính trị để đàm phán hiệp định thương mại tự do được coi là chất lượng cao này.
Việc Washington rút khỏi TPP sẽ là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này là bản lề cho một trật tự thương mại mới sau khi các định chế như WTO tỏ ra bế tắc sau nhiều vòng đàm phán.
Harry Kazianis, giám đốc về nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu Lợi ích quốc gia ở Washington nói, ông Trump giờ sẽ phải tìm phương án khác để thuyết phục các đồng minh ở châu Á.
“Đó có thể là một loạt hiệp định thương mại song phương. Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam nên được tiếp cận trước vì đó sẽ là mấu chốt cho bất cứ chính sách châu Á mới nào mà Trump tính triển khai“, ông Kazianis nói với Reuters.
Theo Zing