Một số tình tiết trong tiểu thuyết của nhà văn Edgar Allan Poe sau này đã gây chấn động dư luận vì sự giống nhau đến kỳ lạ với những sự việc xảy ra hàng chục năm sau đó, như thể ông có khả năng du hành đến tương lai.
Theo đánh giá của giới phê bình văn học, thế kỷ XIX là thế kỷ mở đầu của thể loại văn học trinh thám, trong đó nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe được coi là ông tổ khai sáng cho dòng văn học kỳ vĩ này.
Cuộc đời của Poe ngập trong những điều kì dị, nhất là cái chết của ông. Ông được người ta tìm thấy trong tình trạng bất thường tại một điểm bầu cử biểu quyết, mặc quần áo của người khác và lảm nhảm với một người “vô hình” tên “Reynolds” khi đã nằm trong bệnh viện. Sau khi qua đời, vào dịp sinh nhật ông suốt 70 năm trời, người ta đều phát hiện thấy một chai cognac và 3 đóa hoa hồng được kẻ vô danh đặt bên mộ.
Edgar Allan Poe được xem là bậc thầy về mật mã, cha đẻ của tiểu thuyết huyền bí, và là nhạc trưởng điều khiển sự rùng rợn. Dưới đây là vài trong số các tác phẩm gây kinh ngạc của ông.
- “Chuyện kể về Arthur Gordon Pym xứ Nantucket”
Được xuất bản năm 1838, cuốn tiểu thuyết “The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket” (Tạm dịch: “Chuyện kể về Arthur Gordon Pym xứ Nantucket”) là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh duy nhất của Poe, kể chi tiết về một cuộc nổi loạn trên con tàu săn cá voi bị mất tích giữa biển khơi. Không có hàng tiếp tế, những người thuỷ thủ đã trở thành kẻ ăn thịt người. Họ rút thăm bằng những cọng rơm để chọn ra một người làm vật hy sinh. Một cậu bé tên Richard Parker rút trúng cọng rơm ngắn nhất và ngay sau đó bị ăn thịt.
Và đây là định mệnh: năm 1884, 46 năm sau khi cuốn tiểu thuyết đó được xuất bản, cũng có 4 người đàn ông lênh đênh trôi giạt trên biển sau khi du thuyền của họ bị chìm. Bị đắm tàu và cạn kiệt thức ăn, họ cũng đành đi theo con đường ăn thịt người để sống sót, cả nhóm đã chọn ra và giết một cậu bé 17 tuổi trên cabin. Tên cậu bé là: Richard Parker.
Sự giống nhau lạ thường ấy đã không được chú ý trong gần cả thế kỷ, cho đến khi một bức thư được lưu hành rộng rãi từ con cháu của Richard Parker thật đã tô đậm những chi tiết giống nhau giữa tình tiết trong tiểu thuyết với sự kiện ngoài đời thực. Lá thư đó được chọn đăng trên tạp chí Sunday Times sau khi nhà báo Arthur Koestler nhận được cuộc gọi nói về câu chuyện trùng hợp kỳ lạ này.
- “Người thương gia”
Năm 1848, một công nhân đường sắt tên là Phineas Gage đã bị chấn thương sọ não sau khi một thanh sắt đâm xuyên qua đầu. Bằng cách nào đó ông ta may mắn sống sót, tuy nhiên sau đó tính cách của ông ta đã thay đổi rất nhiều. Những thay đổi trong hành vi của ông được nghiên cứu cẩn thận, giúp cộng đồng y học phát triển những hiểu biết đầu tiên về vai trò của thuỳ trước trán trong việc nhận thức xã hội.
Tuy nhiên Poe thì khác, ông đã có những hiểu biết về sự thay đổi nhân cách sâu sắc do hội chứng thuỳ trước trán gần cả thập niên trước đó. Năm 1840, ông đã viết một câu chuyện kinh khủng tựa đề “Người thương gia” nói về một người kể chuyện vô danh bị chứng đau đầu do chấn thương từ lúc còn trẻ, dẫn đến cuộc sống thường xuyên bị ám ảnh và ngập chìm trong bạo lực, giận dữ.
Những hiểu biết của Poe về hội chứng thuỳ trước trán chính xác đến nỗi nhà thần kinh học Eric Altshuler đã viết: “Có cả tá triệu chứng và ông ấy biết rõ từng triệu chứng một… Mọi thứ trong câu chuyện này chúng ta phải nghiên cứu vất vả hơn nữa mới hiểu được”. Cần nhắc lại Altshuler là một nhà thần kinh học đã có giấy chứng nhận y tế và cũng không phải là kẻ lập dị, ông từng phát biểu về Poe: “Những triệu chứng đó chính xác đến mức kỳ lạ. Như thể ông ấy có một cỗ máy thời gian”.
- Tác phẩm “Eureka”
Poe đã dự đoán nguồn gốc vũ trụ từ 80 năm trước khi khoa học hiện đại bắt đầu xây dựng lý thuyết về vụ nổ Big Bang. Chắc chắn, một nhà chiêm tinh học nghiệp dư không được đào tạo chính quy trong ngành vũ trụ học sẽ không thể mô tả chính xác cơ cấu của vũ trụ.
Những lời tiên tri này đến từ tác phẩm “Eureka”. Được sáng tác trong những năm cuối đời của Poe, “Eureka” mô tả một vũ trụ đang mở rộng bắt đầu từ “một ánh sáng chớp lên tức thời” và có nguồn gốc từ một “hạt nguyên thuỷ” đơn lẻ.
Poe tiếp đó đưa ra đưa ra giải pháp hợp lý đầu tiên cho nghịch lý Olbers – một câu hỏi dạng: “Tại sao với hằng hà sa số các vì sao trên vũ trụ, bầu trời đêm vẫn tối tăm?” – bằng việc giải thích rằng ánh sáng đến từ vũ trụ mở rộng đã chưa tiếp cận Thái Dương Hệ của chúng ta. Khi nhà thiên văn học và vũ trụ học Edward Robert Harrison xuất bản tác phẩm “Darkness at night” (Bóng tối trong đêm) năm 1987, ông đã ghi nhớ công lao của “Eureka” trong việc đóng góp vào những phát hiện của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Nautilus, nhà thiên văn học Italia Alberto Cappi nói về sự tiên đoán của Poe, đã thừa nhận rằng: “Thật ngạc nhiên khi Poe hiểu biết về vũ trụ rộng lớn này bởi vì không có bằng chứng quan sát hay lý thuyết nào cho thấy một khả năng như thế. Không một nhà thiên văn học nào vào thời Poe có thể tưởng tượng ra một vũ trụ không tĩnh”.
Có thể còn nhiều lời tiên tri nữa nằm rải rác khắp các tác phẩm của ông. Phải chăng những tác phẩm tiên đoán – về cái chết do bị ăn thịt của Richard Parker, các triệu chứng của hội chứng thuỳ trước trán, và sự giãn nở của vũ trụ – chính là “phóng sự” về những chuyến du hành xuyên thời gian của ông?
Trung Hiếu, theo UWT