Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á – vốn là người khiêm cung, kín kẽ. Vậy mà khi tôi bảo, sẽ viết về người đàn ông lọ mọ sống nhiều năm với 72 bộ hài cốt trong nhà mình, ông không phản đối lắm. Ông chỉ “chỉnh sửa”, ừ thì tôi sống trong nhà đó, ăn, ngủ trong nhà đó cùng hộp sọ, di cốt của tổ tiên; nhưng nhà đó đồng thời còn là trụ sở của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nữa.
Ông Việt bên những khuôn mặt người xưa đang được phục dựng lại. Tức là trên danh nghĩa, hài cốt để ở… cơ quan tôi chứ. Vâng, danh nghĩa thì gọi là nhà hay gọi là cơ quan đều đúng. Bởi ở Hà Nội, thì nhà ông cũng chính là “nhiệm sở” trên phố Hoàng Quốc Việt, về “bảo tàng tư nhân” ở Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) thì tòa biệt thự cổ ông mua rồi sinh sống và làm việc, cũng… chính là nhà ông. Nhà báo trên chiếc ôtô chở hài cốt, xương sọ răng trắng ởn Vì sao ông trở thành một người “giữ kỷ lục” ở bên mấy chục bộ hài cốt suốt bao năm qua? Bởi ông là nhà nghiên cứu và ông làm mọi việc đến quên mình, quên tài sản của mình, chỉ với mục đích tối thượng là được… nghiên cứu. Chứ không phải ông muốn làm một kỷ lục, một chuyện lạ Việt Nam. Dù chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của VTV, đã có thời người ta đồn là tôi (người viết bài này) và TS Việt là “góp vốn làm ăn chung”. Bởi chúng tôi liên tục là cặp đôi xuất hiện ở đó. Và lần nào làm việc cùng, tôi cũng cảm nhận được sự tử tế và niềm đắm say với khoa học đến tột cùng của TS Việt.
Có lần, tôi đi vùng Hà Nhì ở Mường Nhé, thấy dân bản nô nức vào một hang núi đất, nhặt các thỏi đất về ăn như ăn kẹo lạc. Tôi bèn viết một bài về “tục lệ” ăn đất đến khó tin của bà con vùng cao, có vùng ăn như ăn trầu thuốc, có vùng nướng đất ăn như nướng khoai sắn, với củi làm bằng lá sim tươi, hun khói lá thơm lên là đánh chén thay cơm. Làng nọ ở gần thị trấn huyện Lập Thạch nhiều người còn sống bao thập niên với nghề đào đất thành hố sâu như giếng thơi, đào bạt cả những quả đồi, lấy từng tải đất rồi hun khói đem ra chợ huyện bán. Nghe chuyện, ông Việt đi tìm hiểu, rồi nghiên cứu, ông chỉ ra căn nguyên của tình trạng thiếu khoáng chất của bà con, rồi chuyện ở Đức (nơi ông học tập nghiên cứu) người ta còn sản xuất đất đóng gói bán trong siêu thị để ăn. Thế rồi một hội thảo quốc tế với cả trăm nhà báo tham dự, với việc trình diễn làm đất ăn của bà cụ Lạc (người Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Chúng tôi tổ chức “sự kiện lạ” kể trên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, và chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” vào cuộc với các “nhân vật trung tâm” là bà Lạc, tôi và ông Việt. Với một cái xe Vitara cũ kỹ màu xanh, ông Việt đem cái tuổi lục tuần của mình đi khắp chốn cùng nơi với tôi mà ít khi trao tay lái cho bất kỳ ai. Đôi lúc tôi cứ rưng rưng tự hỏi, hình như ông Việt nghĩ mình còn đang ở đận “tuổi hai mươi yêu dấu” ấy. Thế rồi ông và tôi lại trèo núi cả ngày, vắt kiệt mồ hôi ở ven sông Luồng, sông Mã, ở vùng Quan Sơn, Thanh Hóa, khám phá các động ma và hàng trăm quan tài làm bằng thân gỗ tròn khoét rỗng. Từng bộ hài cốt hiện ra. “Thiên táng” trong động Ma và trên các vách đá dựng trời. Có đêm bịt bùng, hai chúng tôi húc xe vào vách núi chênh vênh. Và “Chuyện lạ Việt Nam” mang máy quay theo chúng tôi suốt đường leo núi và đường nước sông Luồng. Thời gian sau, bà con lại tiếp tục “báo cáo” các “hang Ma” nữa ở Suối Bàng, Mộc Châu (tỉnh Sơn La), cũng những bộ di cốt to đùng, có vẻ như một tộc người “vạm vỡ” nào đó với tục thiên táng kỳ lạ đang rõ rệt dần ra. Các công trình nghiên cứu tầm quốc tế của ông Việt lần lượt ra đời. Một trong những chuyến đi đó, tôi không thể nào ngờ, trong cỗ xe dã chiến tôi hết ngồi, nằm, ăn rồi lại ngủ “quần quật” bao ngày kia, ông Việt đã lén cất giữ những bộ di cốt, với xương sọ và răng “người xưa” trắng ởn. Ông biết “ông cháu nhà báo” hay… sợ ma. Bữa bún chả trong căn nhà có thể khiến ai cũng phải rợn người Thế rồi, cứ cười cười, trầm ngâm, củ mỉ cù mì, tích tiểu thành đại, bây giờ trong “nhà – cơ quan” của ông Việt đã có tới 72 bộ hài cốt (di cốt, đầu lâu, xương các loại) người xưa. Phải mở ngoặc là, ông Việt là người “sống nhiều cuộc đời”, với các mảng công việc chất chứa, và mảng nào ông cũng thành công. Có cảm giác, suy nghĩ của ông là suy nghĩ ở tầm… các nhà bác học thời cổ. Tức là ông “thả rông” trí tuệ và xúc cảm của mình ở nhiều lĩnh vực, dù cái nào chuyên sâu thì ông vẫn đứng ở hàng đầu. Gần hai chục năm trước, ông bỏ Viện Khảo cổ học, đứng ra thành lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và làm giám đốc đến bây giờ. Ông cùng cộng sự khám phá “nơi cư trú cổ xưa” của người Việt ở khu vực Hang Xóm Trại (Hòa Bình), với hệ thống bếp, đồ ăn, công cụ, các con đường từ… 15.000 năm trước. Đây là một phát hiện khổng lồ, gây sửng sốt với mức độ vượt ra khỏi tầm Việt Nam. Và ông Việt đứng ra vận động tiền, cùng với tỉnh Hòa Bình dựng tượng, dựng lại không gian sinh hoạt trong hang động của người xưa, để con người thế kỷ 21 có thể “lạc” vào đó và cảm nhận thêm về các giá trị quý báu của khu di chỉ khảo cổ lừng danh. Vừa rồi mưa bão, một khối đá khổng lồ rơi xuống, khu chùa của Hang Xóm Trại bị sập, ông đứng ra vận động các cựu quan chức cao cấp, các nhà báo, nhà khoa học bỏ tiền cùng tu tạo. Tôi cũng đóng góp ít tiền, ông Việt bảo, “tiền” là một chuyện, quan trọng hơn, đây là dịp để tất cả mọi người biết đến giá trị muôn một cũng như dần quen với việc có trách nhiệm với số phận kỳ lạ của khu vực này.
Có lần lái chiếc Triton hai cầu nhập khẩu từ Thái Lan, ông Việt cùng tôi lên Hang Xóm Trại. Lúc về, thấy xe đầm quá, xe băng qua các con đường đá hộc cứ trơn êm, tôi hỏi, thì ông tủm tỉm cười mở nắp thùng xe. Ôi thôi, trên đó toàn các bao tải đá lổn nhổn. Đá khênh cả tấn về nhà để nghiên cứu từng mảnh một. Đi đâu ông cũng muốn “mua” các khu vực có nhiều di chỉ, có khi đó là cả một hang núi, cả một quả đồi xứ Mường, có khi đó là một tòa biệt thự cổ mà các điền chủ nổi tiếng người Pháp từng xây dựng ở đất mỏ Quảng Ninh. Ông mua, thuê người trông coi, có hôm lái chiếc Mercedes sành điệu đến tu tạo, có khi mang Triton hai cầu đến khai quật. Ông bóc từng lớp lang văn hóa ở khu vực lên, người cổ làm gì với ngôi nhà đó, người thời phong kiến, người Pháp, rồi thời hợp tác xã bao cấp của chúng ta. Ông đào tung lên và nghiên cứu. Nhiều cán bộ địa phương từng thấy ông say mê các giá trị “vứt đi” ở quê họ quá, trước khi quyết định giải tỏa phá trắng các di chỉ, họ bèn thương tình gọi ông đến mua với giá vừa bán vừa cho. Nay thấy ông đào bới xới lộn quá tội nghiệp, họ chỉ biết mỉm cười thương mến và… khó hiểu. Trong những lần đào như thế và những lần xem người khác đào như thế, ông Việt lại nảy ra những ý tưởng đình đám với thành công đình đám. Có lần kệ người ta lấy xương cốt người nghìn năm trước, ông Việt đi nhặt những mụn vải còn sót lại trên quan tài. Ông tính tuổi xương người quá cố, rồi suy ra tuổi của vải, rồi ông giật mình, vải này đến từ thời… Chử Đồng Tử, Tiên Dung gặp nhau trên bãi sông Hồng, khi mà cát cứ trôi dần ra do nước tắm của Tiên Dung. Ông quyết định bảo tồn, nghiên cứu các sợi vải đó, rồi dệt một tấm khố, gửi lên Nhà nước xin công nhận Bảo vật Quốc gia: Cái khố của Chử Đồng Tử. Có ngày đào các mũi tên đồng ở Cổ Loa, ông muốn phục chế lại nỏ thần mỗi lần bật lẫy là trăm mũi tên bay ra của Cao Lỗ. Thế rồi từ các nghiên cứu ở vùng Mường với các nghệ nhân hàng đầu, ông Việt và cộng sự đã gửi công trình này lên giải Vifotec (Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam), ông ẵm giải nhì. Công trình nỏ thần bắn nhiều mũi tên cùng lúc được trình diễn trong sự ngạc nhiên sửng sốt của đông đảo bà con. Nó đang được trưng bày ở Bảo tàng Vũ khí tại Hà Nội và tại “bảo tàng tư nhân” mang tên Phạm Huy Thông của ông Việt ở Quảng Ninh. Ông lưu giữ các bảo vật, từng thanh kiếm, từng sợi vải tí ti, từng hộp sọ người lởm chởm răng, từng bộ xương hoàn chỉnh của các con thú bé xíu mà các chủ quán đặc sản đang vứt bỏ. Có lần ông nhờ tôi xin được từ anh Cao Văn Tuyến (Tuấn) – vua cá sấu miền Bắc – một con cá sấu nguyên vẹn về cùng các cộng sự nướng ăn, rồi róc lấy bộ xương cá sấu hoàn chỉnh của nó dựng trong “bảo tàng tự nhiên” tại nhà mình. Nhà ông, cũng dành mấy tầng, để thành lập một “bảo tàng” mang tên Phạm Huy Thông – người thầy khả kính, nhà sử học kiệt xuất của Việt Nam ta. Tầng trệt một căn nhà thời Pháp mà ông mua được, ông dùng để xây dựng một cái bể bơi tròn. Đó cũng đồng thời là nơi ông tắm rửa cho các bộ hài cốt mới đào được. Đeo một cặp kính lão dày, ông Việt có thói quen ghếch kính lên trán mỗi khi tìm hiểu cái gì đó, hoặc đơn giản là khi chụp một bức ảnh con vật kỳ lạ hay cái cây, hòn đá khó hiểu dọc đường dã ngoại. Và tôi luôn có cảm giác, cặp kính ưa hiểu biết của ông khám phá mọi lĩnh vực của đời sống này. Ông chơi điện thoại, chơi máy ảnh, chơi ôtô, nghiên cứu không thiếu thứ gì trên đời. Thế rồi bây giờ là chuyện lọ mọ “ba cùng” với 72 bộ hài cốt. “Đây rồi”, tôi đến Quảng Yên, vào thế giới đầu lâu xương cốt và thốt lên. Ông Việt hỏi: “Cái gì hả cháu?”. “Vâng, cháu nhận ra hộp này ghi rõ, “Hộp sọ và hài cốt từ suối Bàng, Mộc Châu, tỉnh Sơn La”, chuyến ấy chú cháu mình cùng đi, ai dè cháu liều thế… Thế cái tủ lạnh nằm ngang to đùng mà lần trước ở nhà trên phố Hoàng Quốc Việt chú mở cho cháu xem, trong đó có một cụ ông hay cụ bà với da thịt quần áo khô đét và xương cốt rợn người đâu rồi? À, cụ mủn ra dần, chú giữ lại ít, còn đâu đem mai táng rồi. Việc đem hài cốt về nhà, có phạm tội xâm phạm mồ mả không, chú nhỉ? Không, đây là người thượng cổ, hầu hết đã hơn 2.000 năm tuổi, thuộc thời văn hóa Đông Sơn chẳng hạn. Chú mang về cơ quan chú để nghiên cứu chính quy mà. Quả thế, mỗi hộp sọ hay các bộ xương đều được để trong thùng nhựa trắng, có nắp đậy theo quy củ và tiêu chuẩn khảo cổ thế giới. Bên ngoài đánh số và có các cô nhân viên dịu dàng phụ trách. Cô bé người Quảng Bình phụ trách hơn chục cái đầu lâu và các bộ xương to đoành đen mốc, cô khênh ra, tôi thoáng trông cứ ngỡ mình đang xem phim Tây Du Ký với những nhân vật trong một sơn động nào đó đầy mây mù và lá rậm. Trưa đến, ông Việt bảo nhân viên nấu bún thịt, bày ra trong phòng bốn bề xương cốt, mỗi người một tô, cứ thế xì xụp cùng nhà báo chan, húp, trò chuyện râm ran. Trong khi đó, các đầu lâu nhe răng trắng ởn từ nóc tủ “nhìn” xuống, các bộ xương dài thượt đầy đủ từ xương ngón tay, ngón chân đổ đi được xếp theo đúng tư thế của một người đang nằm trên bàn. Nửa đêm gặp tổ tiên mình “bằng xương bằng thịt” từ 2.000 năm trước…
Ông Việt, bao năm làm việc cùng các bộ xương, đã rút ra nhiều kết luận, với các nghiên cứu khả kính được công bố. Ông xác định từng “chủng” người, vì sao họ chết, vì sao họ bị bệnh này, bệnh kia. Vì sao có “tục” thiên táng trong các động ma lơ lửng trên vách đá đỉnh trời. Đặc biệt, ông còn đến khu vực đào được các di cốt người Đông Sơn như ở Hưng Yên, để làm việc với các bác sĩ hiện nay, xin các tấm phim chụp hộp sọ của cả trăm bệnh nhân, để tìm ra mối liên hệ nào đó giữa người nay và tổ tiên xa xưa của họ trên chính vùng đất đó. Ông tìm ra các vệt trên hộp sọ, tìm ra độ mòn của các cái răng người phụ nữ Đông Sơn đã chết ở tuổi 18 kia (bằng cách giám định C14 tìm ra tuổi của hộp sọ nữ).
Các bí ẩn phong kín từ 2.000-3.000 năm trước cứ lần lượt mở ra. Công trình được coi là danh tiếng, từng được báo giới săn đón đặc biệt của ông Việt, cũng từ các hộp sọ đó. Ấy là việc ông công bố đã căn cứ vào các hộp sọ kia, dùng phương pháp phục dựng gương mặt người từ hộp sọ sẵn có của “ông tổ nghề” Gegasimov để đi tìm gương mặt đích thực của tổ tiên người Việt ta. Ông mày mò, đi khắp Việt Nam, đến nhiều nước trên thế giới, tham khảo nhiều tài liệu để có thể ra “đáp án” thuyết phục nhất. Ông kể: “Một đêm khuya, tôi dùng “đất nặn” mua từ nước ngoài về. Tôi phục dựng gương mặt một phụ nữ thời Đông Sơn. Bà chết khi 18 tuổi. Tôi thấy đó là một hộp sọ thanh tú, tự dưng tôi thấy cái duyên cần phục dựng gương mặt bà trước tiên. Bà hiện ra, tôi đã thổn thức xúc động. Tổ tiên chúng ta đây ư? Tôi đeo thêm cho bà cái khuyên tai, đội thêm cho người đàn ông mới hiện ra một cái mũ, khoác thêm cái vũ khí, mà theo nghiên cứu của tôi, bấy giờ có thể các cụ vẫn dùng”. Giới khoa học, giới truyền thông, rồi các cuốn sách uy tín, như biên niên sử của khoa học Việt Nam và thế giới, đã nói về ông Việt và công trình này, với xiết bao “tâm phục khẩu phục”. Tất nhiên, tìm “gương mặt chuẩn nhất” của những người đã chết từ 2.000-3.000 năm trước là một việc không dễ, nó luôn gây tranh cãi. … Với tôi, dù thế nào thì trong căn phòng ngổn ngang hài cốt đó, vẫn là thứ gì đó lạnh lẽo sờ sợ. Có lẽ, ông Việt chưa bao giờ nghĩ như vậy cả. Ông vẫn ăn xôi nhỏm nhẻm rồi hì hụi phục dựng gương mặt người Đông Sơn xưa. Tôi cứ giật đùng đùng, “chú ơi, chú ơi, cẩn thận” khi chứng kiến cảnh đó. Bởi miếng đất nặn ông cũng nắm “chim chim” trong tay trước khi đắp lên hộp sọ ấy, và tay kia ông cũng nắm xôi kiểu đó để ăn. Tôi sợ nhà khoa học này sẽ nhầm miếng đất nặn bện sọ xương người ở tay này… với nắm xôi ở tay bên kia. Có lần tôi hỏi, chú giữ nhiều xương, sọ, hài cốt như thế này ở trong phòng, ngày đêm sống với “các cụ” có bao giờ chú thắp nhang không? “Có chứ, tôi vẫn thường nhang khói khi cảm thấy trong phòng cần ấm cúng hơn giữa mùa đông cửa bể Quảng Ninh, hoặc cần một mùi thơm dịu nhẹ từ trầm hương tự nhiên ấy mà…” – giọng ông Việt nhẹ như gió cuối hạ đầu thu đang thổi qua các hàm răng trắng ởn, qua các hốc mắt hốc mũi “người 2.000-3.000 năm tuổi” ngự trên các nóc tủ, góc bàn. Bất giác tôi nghe thấy tiếng u u lạ kỳ, tôi nghĩ, đêm nay có con chuột nào vào gặm các hộp sọ khồn khồn mà có thể ông Việt sẽ nghĩ là “các cụ” đang cười gằn hoặc nghiến răng chăng… |
Theo Lao Động