Tinh Hoa

Ông Tập phá bỏ cơ chế can dự chính sự của Giang Trạch Dân như thế nào?

Ngày 26/10, Tân Hoa xã đã đăng bài viết dài 6000 chữ cho biết, trong việc tuyển chọn lãnh đạo Trung ương khóa mới, ông Tập Cận Bình đã áp dụng phương thức “nói chuyện điều tra nghiên cứu”, điều này đã chấm dứt việc các nguyên lão chính trị tham dự vào chính sự.

Ông Hồ Cẩm Đào (trái), ông Tập Cận Bình (giữa) và ông Giang Trạch Dân (phải) tại buổi khai mạc Đại hội 19. (Ảnh: SBS)

Tân Hoa xã cho biết, tháng 02/2016, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định thành lập Tiểu tổ lãnh đạo khảo sát cán bộ Đại hội 19, do ông Tập Cận Bình đích thân làm tổ trưởng. Từ cuối tháng 04 đến tháng 06/2017, ông Tập đã lần lượt nói chuyện với các lãnh đạo hiện nhiệm, Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên lão nội đảng, lắng nghe ý kiến của họ, tổng cộng là 57 người.

Địa điểm nói chuyện là “Hậu Đàm Thất” trong Trung Nam Hải, các cán bộ trước khi đàm thoại phải đọc 3 tài liệu gồm “Những sắp xếp liên quan đến việc nói chuyện điều tra nghiên cứu”, “Danh sách lãnh đạo hiện nhiệm”, “Danh sách cán bộ cấp tỉnh bộ”. Sau khi nghiên cứu kỹ càng sẽ nói chuyện trực tiếp với ông Tập Cận Bình, đưa ra ý kiến đề cử lãnh đạo khóa mới.

Bài viết cho biết, đây chính là tiếp thụ “giáo huấn” từ việc tuyển chọn cán bộ cấp cao trong quá khứ. Trong các Đại hội 17 và 18 của ĐCSTQ đã áp dụng phương thức “hội nghị đề cử”, nhưng đã mang đến một số “tai hại”, để cho cựu Thường ủy Bộ Chính trị đã ngã ngựa Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài và cựu Phó Chủ tịch Hội Hiệp thương Chính trị Lệnh Kế Hoạch, v.v. có cơ hội “lợi dụng hội nghị đề cử kéo phiếu mua chuộc để trúng cử”.

Bài viết chỉ ra rằng, chức vụ lãnh đạo không phải là “ghế thép”, “mũ thép”, tuổi tác vẫn còn phù hợp không nhất định được đề danh. Bài viết còn tán thưởng một số cán bộ lãnh đạo, trong quá trình trưng cầu ý kiến đã “chủ động bày tỏ ý muốn” thoái lui.

Bài viết không chỉ đích danh, tuy nhiên thực tế đã cho thấy những người này chính là Phó Chủ tịch quốc gia Lý Nguyên Triều, Tổ phó Tiểu tổ lãnh đạo đảng Trương Xuân Hiền và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Lưu Kỳ Bảo, họ đều thoái lui khỏi Bộ Chính trị ĐCSTQ trong Đại hội 19 dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Lý lịch chính trị của các ông này đều mang đậm sắc thái của phe Giang.

Tân Hoa xã còn cho biết, trong 25 Ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, có 10 người là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 tiếp tục được đề cử, 3 người là từ Đại hội đại biểu nhân dân và Quốc Vụ viện chuyển nhiệm, 12 người là đề bạt mới. Ngoại giới phân tích, đội ngũ của ông Tập Cận Bình là chiếm ưu thế hoàn toàn trong Bộ Chính trị khóa mới.

Minh Báo (Hong Kong) chỉ ra, ông Tập Cận Bình đích thân phỏng vấn người được đề cử, điều này có ý nghĩa là cơ chế nội đảng bỏ phiếu trong thời Hồ Cẩm Đào đã bị huỷ bỏ.

Ông Hồ Cẩm Đào nhậm chức Tổng Bí thư ĐCSTQ trong Đại hội 16, và sau đó trong các Đại hội 17 và 18, đã áp dụng cơ chế tuyển bạt quan viên cấp cao theo cách “hội nghị đề cử” và “bỏ phiếu nội đảng”. Điều này hiển nhiên có liên quan đến việc ông Giang Trạch Dân can dự chính sự làm suy yếu quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào.

Ông Giang Trạch Dân trước khi về hưu, đã bố trí một lượng lớn người của mình chiếm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng ở Trung ương và địa phương, cơ chế “tập thể lãnh đạo, nội đảng bỏ phiếu” là điều kiện đảm bảo cho Giang Trạch Dân tiếp tục thao túng chính trị cướp quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào.

Trong đó điển hình là việc trước khi nghỉ hưu, ông Giang Trạch Dân đổi cơ cấu 7 người của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ thành 9 người, trong đó có hơn phân nửa là thân tín của mình, kết quả là phe Giang chiếm ưu thế tuyệt đối trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ chế tập thể quyết sách “một người một phiếu” của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã cô lập và cướp đi thực quyền của ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo.

Trong Đại hội 19 mọi thứ đã thay đổi, 3 Thường ủy Bộ Chính trị của phe Giang là Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn đã thoái lui. Trong 7 người của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị thì có đến 6 người thuộc đội ngũ của ông Tập Cận Bình.

Lê Hiếu