Tinh Hoa

Ông Tập Cận Bình đang bất an vì chuyện gì?

Gần đây Tổng thống Mỹ Trump chia sẻ trên Twitter cho biết, đang phối hợp với ông Tập Cận Bình để “khôi phục hoạt động” cho tập đoàn viễn thông ZTE Trung Quốc. Sau đó, bắt đầu vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Trung Quốc và Mỹ, có chuyên gia chỉ ra vấn đề ZTE chỉ là sự kiện nhỏ, quan trọng hơn là “ba ngọn núi lớn”khiến ông Tập Cận Bình ăn ngủ không yên. Giới truyền thông Mỹ thì trích dẫn một cuốn sách mới phân tích 5 vấn đề làm ông Tập Cận Bình phải mất ăn mất ngủ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Kremlin.ru)

Có thật ZTE chỉ là vấn đề nhỏ?

Ngày 15/5, Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA) dẫn lời nhà kinh tế hàng đầu của Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế là ông Gene Ma cho biết, hiện không thấy có cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống nghiêm trọng nào đối với Trung Quốc, việc ZTE bị Mỹ cấm vận chỉ là một sự kiện nhỏ.

Về việc ZTE bị Bộ Thương mại Mỹ cấm vận 7 năm, sau đó rơi vào trạng thái tê liệt và được ông Trump cho biết sẽ “phóng sinh”, một số cơ quan truyền thông quốc tế phân tích rằng, ở vòng đàm phán thương mại thứ hai Mỹ – Trung tiếp theo, có thể Bắc Kinh phải có những nhượng bộ Mỹ nhiều hơn.

Sự cố ZTE chắc chắn làm cho ông Tập Cận Bình bất an. Ngày 21/4, ông Tập Cận Bình đã 5 lần nói về vấn đề độc lập trong đổi mới khoa học và công nghệ. Bao gồm tại Hội nghị Công tác công nghệ thông tin và An ninh internet toàn quốc ngày 21/4, cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 23/4, trong chuyến thăm đập Tam Hiệp ngày 26/4, đến thăm Đại học Bắc Kinh ngày 02/5, gần nhất là trong thời gian đi thị sát Học viện Quân sự vào ngày 16/5.

Trong các thông tin trước đó được giới truyền thông Mỹ đưa tin, ông Gene Ma còn cho biết Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện hiện tượng không bình thường, đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên, ngành ngân hàng bị chính quyền Bắc Kinh “bỏ đòn bẩy” với lý do giữ ổn định, kiềm chế các khoản vay giữa các tổ chức tài chính, tăng dần lãi xuất cho vay. Hành động tiếp theo sẽ là gì? Ông cho biết, điều này phụ thuộc vào việc liệu có phát sinh hiểm họa mang tính hệ thống hay không.

Gene Ma phân tích, xác suất hiểm họa mang tính hệ thống không cao. Còn vấn đề “chuẩn thoát nghèo” sẽ khó khăn hơn để đo lường, vì vấn đề thiếu số liệu đáng tin cậy.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc từng đưa tin, thời điểm cách đây 5 năm khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, trong Báo cáo tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng Mười năm ngoái ông Tập nhấn mạnh, phải làm sao làm được “thoát nghèo thật sự, thật sự thoát nghèo”. Đến trước năm 2020 làm sao có thể xóa nghèo được 55 triệu người. Tuy nhiên, ngay cả trong những báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc cũng thừa nhận vấn đề giả tạo nghiêm trọng trong xóa đói giảm nghèo tại Trung Quốc đại lục.

Vào tháng Hai năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin ông Tập Cận Bình đi “xem tình hình thực tế” tại khu vực nghèo ở vùng sâu Đại Lương Sơn (Daliangshan).

Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, dưới thể chế ĐCSTQ, xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ không thể hoàn thành.

Gần đây, giáo sư kinh tế học James Wen (đã nghỉ hưu) thuộc Đại học Trinity Mỹ, khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn của VOA Mỹ đã chỉ ra, chế độ hộ khẩu và sở hữu đất tập thể tại Trung Quốc là lý do chính của đói nghèo, trong khi một số người Trung Quốc không học tập theo các nước phát triển của thế giới mà “vẫn tưởng tượng con đường tập thể hóa trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn diện và bền vững”. Về ngắn hạn, chính quyền Trung quốc (ĐCSTQ) có tiền của chính phủ, đến ngày lễ ngày Tết là có cán bộ đi trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo được một vài thứ. Nhưng “chúng ta thường thấy cán bộ các cấp đang đóng kịch”. “Sau khi mọi thứ trở lại bình thường, nghèo đói cũng quay trở lại.”

“Ba núi lớn” và năm vấn đề lớn

Ngày 16/5, Đài truyền hình NTD (New Tang Dynasty Television) tại Mỹ dẫn phân tích của một chuyên gia tại Washington chỉ ra, ngoài sự kiện ZTE, vấn đề khiến lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khó ngủ còn có “ba ngọn núi lớn”, bao gồm: “ngăn ngừa và xoa dịu nguy cơ trầm trọng”, “xóa nghèo đói” và “phòng chống ô nhiễm môi trường”.

Thông tin cho rằng, trong vài thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc khá cao, nhưng cái giá phải trả cho quá trình phát triển kinh tế này quá đắt, trong đó có ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng. Do hiệu quả thấp, tiêu thụ năng lượng lớn, những vật tư và hàng hóa sản xuất chất lượng kém, gây tình trạng lãng phí rất lớn, trong khi đó đòn bẩy cao gây sản xuất thừa và hàng tồn kho, nợ địa phương và doanh nghiệp nhà nước là rất nghiêm trọng.

NYT (New York Times) Mỹ gần đây cũng có bài viết chỉ ra, những vấn đề thực tế mà ông Tập Cận Bình phải lo lắng là quá nhiều, thời gian gần đây đã có một cuốn sách mới xuất bản bình luận về 5 vấn đề lớn làm ông Tập Cận Bình phải mất ăn mất ngủ.

Đầu tiên là vấn đề về công nghệ. Điều này có thể thấy rõ qua các tranh chấp thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc đã bị chỉ trích vì nhiều vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến trật tự quốc tế, đặc biệt là vấn đề dùng tin tặc và gián điệp đánh cắp công nghệ.

Thứ hai là vấn đề quân sự. Mặc dù ĐCSTQ đã dành rất nhiều tiền để nâng cấp quân đội. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia quân sự cho rằng vũ khí và trang thiết bị quân sự của quân đội Trung Quốc ít nhất cũng lạc hậu đến nửa thế kỷ so với Mỹ.

Thứ ba là vấn đề rủi ro tài chính tiềm ẩn vì nguyên nhân chính trị. Dưới hệ thống kinh tế dị dạng của Trung Quốc đang tích tụ vô số vấn đề có thể làm hỗn loạn thị trường tài chính: rủi ro tài sản xấu, hiểm họa công trái, hiểm họa từ hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banks), rủi ro của những cú sốc bên ngoài, nguy cơ bong bóng bất động sản, rủi ro nợ chính phủ, rủi ro tài chính internet. Nguyên nhân của bức tranh này chính là vì sự kết hợp giữa nền kinh tế độc quyền của ĐCSTQ và giới tư bản thân hữu.

Thứ tư, internet đe dọa chế độ Cộng sản Trung Quốc. Xưa nay, để bảo vệ tính hợp pháp chính trị, ĐCSTQ phải nói dối để che đậy lịch sử đáng xấu hổ của họ, từ chối mọi người phản biện về hệ thống cai trị thối nát, nhưng với sự phổ biến của internet thì mọi chuyện dần lộ rõ.

Thứ năm, bất ổn xã hội do ô nhiễm môi trường gây ra. “Mô hình phát triển” bất chấp hậu quả “kiểu Đại nhảy vọt” của ĐCSTQ gây ra hàng loạt các vấn đề môi trường như nạn khói mù, ô nhiễm đất và nước, gây phẫn nộ trong cộng đồng làm bùng lên các sự kiện bảo vệ quyền lợi quy mô ngày càng lớn, trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống cộng sản Trung Quốc.

“Bốn hệ thống” đều rơi vào tình trạng bất ổn

Đại hội 19 ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã thành công đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” ghi vào Điều lệ Đảng, tại Nhân đại toàn quốc ngày 11/3 năm nay lại thông qua được sửa đổi nội dung hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ 5 năm) đối với chức Chủ tich và Phó Chủ tịch nước. Giới quan sát cho rằng, hiện nay ông Tập Cận Bình đã thao túng toàn bộ quyền lực.

Tuy nhiên, khi phân tích lý do sửa đổi hiến pháp, giới bình luận có quan điểm cho rằng điều này có nguyên nhân từ tâm trạng bất an của ông Tập Cận Bình.

Ngày 12/3, tờ Tin tức (Die Presse) của Úc chỉ ra, lý do khiến ông Tập Cận Bình thúc đẩy sửa đổi hiến pháp vì lo sợ rằng hiện nay kẻ thù quá nhiều, nếu ​​kết thúc nhiệm kỳ này không còn quyền lực nữa thì sẽ bị các nhóm lợi ích quay lại phản công.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18, đã triển khai chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ĐCSTQ, đã thanh trừng vô số quan chức cấp cao, có nhận định cho rằng đa số quan chức hủ bại bị xử lý là người của phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Hồi đầu tháng Tám năm ngoái, ông Hồ Bình (Hu Ping) biên tập viên danh dự của tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijingspring) đã nhận định, cho đến nay vẫn chưa có chỉ định “người kế nhiệm quyền lực” cách khóa, có nghĩa là ông Tập sẽ tiếp tục tìm cách nắm quyền khi hết nhiệm kỳ vào Đại hội 20 năm 2022, “vì ông Tập đã đi đến nước này thì không dừng lại được, từ bỏ quyền lực sẽ là nguy hiểm đối với ông Tập.”

Ngày 5/3, tờ Epoch Times có đăng bài viết nhận định, trong tương lai những mâu thuẫn trong nội bộ ĐCSTQ sẽ gay gắt hơn, cuộc chiến chính sẽ là “cuộc chiến giữa Tập Cận Bình và nội bộ thể chế ĐCSTQ”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ vẫn có thể cai trị trong một thời gian dài nữa, có thể đây mới là vấn đề  quan tâm thực sự của ông Tập.

Tháng Ba, tờ Vision Times tại Mỹ có đăng tải bài viết tựa đề “Hủy giới hạn nhiệm kỳ: Còn lý do thầm kín là Tập Cận Bình dự kiến có chiến tranh ​​trong vòng 5 năm tới”.Theo bài viết, khi thảo luận về việc Trung Quốc có rơi vào tình trạng hỗn loạn không thì ông Vương Hộ Ninh chỉ ra, “Chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này, hãy chú ý tới bốn hệ thống lớn”, cụ thể là quân sự, chính quyền, quan chức và trí thức. Ông Vương Hộ Ninh cho rằng chỉ cần không có vấn đề với bốn hệ thống này, Trung Quốc sẽ phát triển ổn định.

Bài viết đưa ra ví dụ tình trạng của bốn hệ thống này, như quân đội thì truyền thông nhà nước có công khai nhắc đến lời của Quách Chính Cương, con trai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương “ngã ngựa” Quách Bá Hùng: “Một nửa quân đội là do nhà ta đề bạt”; còn đối với quan chức của Đảng và Chính phủ, theo số liệu công bố chính thức, trong 5 năm gần 2 triệu cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật đã bị Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra; còn trí thức, từ ngày 09/7/2015, an ninh Trung Quốc tổ chức đợt bắt giữ quy mô lớn (23 tỉnh thành) đối với giới luật sư, theo đó hơn trăm luật sư bị gửi giấy triệu tập, tạm giam, hiện có một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân.

Bài báo trích dẫn lời ông cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ lần thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, trong phát biểu ông Vương Kỳ Sơn đưa ra cảnh báo hệ thống cộng sản hiện đang trên bờ vực của sự sụp đổ.

Theo Trithucvn