Ngày 14/11, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ thẳng tay tiêu diệt các phiến quân Nhà nước Hồi giáo ISIS tràn vào Philippines, bất chấp vấn đề nhân quyền, để bảo đảm an toàn cho người dân.
“Một khi những kẻ khủng bố ở Trung Đông bị chiếm mất lãnh thổ hay những nơi chúng có thể cư ngụ,… chúng sẽ phải dạt sang những khu vực khác. Chúng sẽ đến đây (Philippines) và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”, Reuters dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu tại một cơ quan hành pháp ở tỉnh Mindanao, phía Nam Philippines ngày 14/11.
Ông Duterte lưu ý rằng Mindanao là khu vực “điểm nóng” về bạo loạn và cướp bóc tại Philippines, đồng thời tỏ ra lo ngại về nguy cơ khủng bố cũng như làn sóng cực đoan tràn vào khu vực này sau khi các tay súng ISIS bị thất thủ ở chiến trường Syria và Iraq. Tổng thống Duterte khẳng định để bảo vệ người dân trước sự tấn công của khủng bố, ông bất chấp mọi quy định về vấn đề nhân quyền.
“Hãy nhớ, chúng (những kẻ khủng bố) không có chút khái niệm nào về nhân quyền. Tin tôi đi. Tôi sẽ không để cho người dân của mình bị chúng giết hại chỉ vì (lo sợ) vấn đề nhân quyền đâu. Điều đó thật ngớ ngẩn”, ông Duterte nói.
Nhân quyền vẫn luôn là một chủ đề nhạy cảm đối với Tổng thống Duterte. Ông từng bị các nhà hoạt động nhân quyền, chính phủ các nước phương Tây và Liên Hợp Quốc cáo buộc ông vi phạm nhân quyền khi phát động chiến dịch chống ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Philippines. Trong số này, nhiều nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy đã bị tiêu diệt trước khi được đưa ra xét xử tại tòa.
Sinh ra tại Mindanao và là thị trưởng thành phố Davao, thủ phủ của Mindanao, trong 22 năm trước khi lên làm tổng thống, ông Duterte cho biết hoạt động bạo loạn của các phần tử Hồi giáo cực đoan diễn ra “rất mạnh” ở khu vực này, trong đó phải kể tới Abu Sayyaf, nhóm phiến quân Hồi giáo được cho là tàn bạo nhất Philippines. Gần như ngày nào cũng xảy ra vụ bắt cóc con tin do Abu Sayyaf thực hiện.
Trước đó, Tổng thống Duterte từng tuyên bố có thể sử dụng quyền hạn cao nhất của mình để giải quyết tình trạng vô pháp tại Philippines bằng cách tạm thời đình chỉ quy định xét xử nghi phạm trước tòa trước khi giam giữ – một biện pháp nhằm chống lại việc bắt bớ và giam giữ ngoài vòng pháp luật. Theo nhà lãnh đạo này, việc tiến hành các thủ tục pháp lý để bắt giữ nghi phạm tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực trong khi tình trạng bất ổn ở phía nam và cuộc chiến chống ma túy trên cả nước đang ngày càng căng thẳng.
Theo Dân trí