Thứ Hai (14/9), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đối với những nền kinh tế lớn, đồng thời thôi thúc ECB cần hành động tích cực hơn nữa để đẩy mạnh tăng trưởng, tránh nguy cơ giảm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Đề nghị của OECD diễn ra ngay trước hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng của nhóm 20 cường quốc kinh tế (G20) được tổ chức tại Australia cuối tuần này, tạo thêm áp lực cho khu vực đồng euro và đặc biệt đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Cập nhật dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, OECD dự kiến tăng trưởng của khu vực đồng euro chỉ đạt 0,8% trong năm nay và có khả năng tăng nhẹ lên 1,1% năm tới.
Thay đổi trên đã đánh dấu một mức giảm đáng kể so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế hồi tháng Năm, khi đó khu vực này được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 1,2% và 1,7% trong năm 2014 và 2015.
OECD đánh giá tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,1% trong năm nay trước khi tăng tốc lên 3,1% vào 2015. Hồi tháng Năm, OECD dự báo Mỹ sẽ đạt tăng trưởng 2,6% năm nay và 3,5% vào năm tới.
Hôm thứ Sáu (13/9), một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, trong hội nghị G20 sắp tới, Mỹ dự kiến thúc đẩy các nước châu Âu đẩy mạnh các biện pháp kích cầu và tăng trưởng kinh tế khi đối mặt với nguy cơ lạm phát.
Phó tổng thư ký của OECD, ông Rintaro Tamaki cho biết, thị trường tài chính đã làm ngơ trước những ảnh hưởng ngày càng tồi tệ mà rủi ro địa chính trị gây ra cho nền kinh tế thế giới và khu vực đồng euro.
Nới lỏng tiền tệ?
OECD cho rằng, mặc dù mức lạm phát tại khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua là 0,4% hồi tháng 8, tỷ lệ này sẽ tăng trở lại khi cầu phục hồi. Lạm phát tại các mức thấp cận 0 sẽ tăng nguy cơ giảm phát.
Trích dẫn ví dụ về Nhật Bản trong giai đoạn những năm 1990, ông Tamaki khuyến cáo, những kỳ vọng về lạm phát trên thị trường tài chính, được ECB theo dõi chặt chẽ nhằm đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp, chưa thể đánh giá chính xác xu hướng lạm phát trong tương lai.
“Những quyết sách gần đây của ECB rất đáng khen ngợi, tuy nhiên các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả nới lỏng tiền tệ, cần được xem xét kỹ lưỡng”, ông Tamaki nhận định.
ECB gần đây đã cắt lãi suất cho vay xuống gần bằng 0 và cam kết mua nợ đã được chuyển đổi thành chứng khoán nhằm khuyến khích cho vay đối với các công ty thiếu vốn.
Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn luôn né tránh các biện pháp nới lỏng của các đối tác Mỹ và Nhật Bản, bao gồm cả 1 chiến dịch khủng để mua trái phiếu Chính phủ và các loại trái phiếu khác nhằm giảm chi phí đi vay.
Theo một báo cáo hôm thứ Hai của Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P), ECB sẽ tung ra chương trình nới lỏng toàn diện nhắm vào các loại trái phiếu tư nhân.
Bên ngoài khu vực eurozone, theo nhận định của OECD, Anh là quốc gia có tốc độ phát triển mạnh nhất trong các nước lớn với tăng trưởng dự báo của năm nay là 3,1% và 2,8% cho năm tới, không chênh lệch quá nhiều so với dự đoán lần lượt là 3,2% và 2,7% hồi tháng Năm.
Trả lời câu hỏi về triển vọng của Scotland khi nước này sắp tổ chức trưng cầu dân ý để tách khỏi Anh, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết, “Chúng tôi muốn Anh là một khối thống nhất, điều đó sẽ là tốt nhất cho các thành viên của nước này”.
Về phía Nhật Bản, OECD dự báo tăng trưởng sẽ đạt 0,9% và 1,1% trong năm nay và năm tới khi nền kinh tế phục hồi sau đợt cầu sụt giảm suốt nửa đầu năm nay vì thuế tiêu thụ tăng hồi tháng Tư. Dự báo tăng trưởng kinh tế từ hồi tháng Năm dành cho nước này đã được OECD hạ xuống mức 1,2% và 1,3% cho năm nay và năm sau.
OECD cũng đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ổn định ở 7,4% trong năm nay và 7,3% năm 2015, không đổi so với ước tính hồi tháng Năm vừa qua.
Bùi Hương, Hồ Duyên – Theo Reuters