Hóa chất trong thực phẩm luôn ngấm ngầm đầu độc người dùng, việc lươn nuôi bằng thuốc tránh thai, gà tẩm bột sắt… khiến người mua…không biết phải mua gì?
Mới đây, trên báo có đưa thông tin về việc người dân vỗ béo lươn bằng… thuốc tránh thai khiến dư luận xôn xao. Đây không phải lần đầu, người tiêu dùng hoang mang vì các loại vật nuôi, gia súc, gia cầm làm thực phẩm “ngậm” thuốc tăng trọng hoặc các loại kích thích để bán ra thị trường.
Trong khi thuốc tránh thai là chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi lươn, song sự việc đáng sợ này vẫn đang diễn ra. Không chỉ thuốc tránh thai, kháng sinh cũng được tận dụng để nuôi lươn béo tốt.
Để tránh các loại bệnh như lở loét, tiêu hóa, đỏ đít… nhiều loại thuốc sẽ được “ướp” lên lươn. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh. Thậm chí, thuốc tiêu hóa cũng được sử dụng cho lươn. Điều người tiêu dùng lo lắng đó là dư lượng kháng sinh và hóa chất trong thịt lươn nuôi thành phẩm trước khi bán ra thị trường có thể hại đến sức khỏe đến mức nào và đến khi nào, người tiêu dùng mới không bị đầu độc bởi hóa chất trong thực phẩm.
Không ít chủ cơ sở giết mổ gia cầm sử dụng một loại hóa chất tẩm vào da gà để biến gà công nghiệp có màu trắng chuyển sang màu vàng óng. Loại hóa chất đó có thể là “bột sắt”. Bởi loại bột này chỉ cần đổ vào nửa muỗng cà phê là có thể nhuộm vàng được cả trăm con gà.
“Bột sắt” là một loại màu dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su) mực in và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Chúng có thể gây ung thư, dị ứng, kích thích hiếu động thái quá hoặc lơ đãng.
Lợn siêu nạc hiện nay chủ yếu được tiêm và cho ăn các loại thuốc tăng trọng. Trong đó, phổ biến là hai nhóm clenbuterol và salbutamol. Những chất tăng trọng độc hại này làm nở mông, nở vai và khiến lợn không thể đứng được.
Tồn dư hóa chất do hai loại này gây nên vô cùng hại với sức khỏe. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.
Tháng 7/2015, báo Báo có đưa tin về một lò giết mổ đã tiêm Prozil (thuốc an thần, gây mê – cấm tiêm cho heo trước giết mổ) vào heo trước khi giết mổ. Nếu như Prozil còn tồn trên thịt thì người ăn phải có thể bị giãn nở mạch máu dẫn đến hạ huyết áp, hô hấp chậm, nhất là đối với người già và trẻ em, rất nguy hại.
Ngoài ra, kháng sinh là loại thuốc được dùng phổ biến, tràn lan cho các loại vật nuôi thực phẩm để tránh bệnh dịch, tăng năng suất.
Theo xaluan.com