(TBKTSG) – Hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển năm nay tiếp tục chỉ còn là G-7 (thay vì G-8) với sự vắng mặt lần thứ hai liên tiếp của Nga, sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nhưng dù Tổng thống V.Putin không được mời, nước Nga vẫn trở thành tâm điểm của hội nghị năm nay, được tổ chức ở vùng Bavarian, phía đông nam nước Đức.
Chiến Thắng
Lời lẽ nặng nề Các nguồn tin được Reuters trích dẫn cho biết, chủ đề về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cách đối phó với Nga đã chiếm tới hai phần ba thời gian thảo luận tại cuộc ăn tối làm việc trước giờ khai mạc của các lãnh đạo G-7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ). Tổng thống Mỹ Obama đã dùng lời lẽ nặng nề, gọi Nga là “kẻ xâm lược”. Ông Obama chỉ trích: “Ông ấy (Tổng thống Nga Putin) tiếp tục phá hỏng nền kinh tế đất nước mình và tiếp tục cô lập Nga bằng cách theo đuổi chính sách sai lầm là muốn tái tạo vinh quang của đế chế Xô Viết? Ông ta không nhận ra rằng sự vĩ đại của nước Nga không phụ thuộc vào việc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác” (trích Reuters). Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng căng thẳng không kém, cho rằng từ nay Moscow nên đứng ra ngoài “giá trị cộng đồng của nhóm G-7”. “Có một rào chắn (barrier) và tôi thực sự không biết làm cách nào mà họ (Nga) có thể vượt qua”, Thủ tướng Merkel nói với kênh truyền hình ARD của Đức sau các cuộc hội đàm. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Canada trên đường tới Đức đều ghé thăm Kiev để bày tỏ sự ủng hộ chính quyền Ukraine. Thủ tướng Anh David Cameron cho hay, ông sẽ thúc giục các nước châu Âu duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đầu tư từ Nga giảm mạnh. Chủ tịch EU Donald Tusk, khách mời của hội nghị, cho biết sau khi thỏa thuận hòa bình Minsk không được thực thi một cách đầy đủ thì câu hỏi duy nhất đối với 28 nước thành viên EU là có nên gia tăng trừng phạt hay không. Về phần mình, Nga cho biết “không có gì mới” trong các phát biểu của lãnh đạo G-7. Nga tỏ ra nghi ngờ về sự đồng thuận giữa các thành viên nhóm 7 nước công nghiệp phát triển này. “Một số nước cho rằng cần thiết phải đối thoại với Nga và không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà không đối thoại”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói, theo AFP. Nhiều loại “vũ khí” Cùng với những lời lẽ đáp trả đó, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin sẽ lên đường tới Ý ngày 9-6 để dự Expo Milano 2015 (Triển lãm kiến trúc quốc tế). “Tổng thống sẽ có các cuộc tiếp xúc với phía Italia”, ông Peskov nói. Không phải ngẫu nhiên mà ông Putin lại lên đường tới Ý ngay sau hội nghị G-7. Ý vừa là thành viên của G-7, vừa là thành viên Liên hiệp châu Âu. Và động thái đó được cho là để chứng tỏ rằng, Nga không bị cô lập và cả G-7 lẫn EU đều đang có những bất đồng. Nói với hãng thông tấn RT trước chuyến đi, ông Putin cho rằng cụm từ “xâm lược” mà phương Tây sử dụng để nói về Nga là “tin đồn nhảm” và không nên coi đó là sự thật. “Một cuộc xung đột quân sự toàn cầu là điều không thể tưởng tượng trong thế giới hiện đại”, ông cho biết. Tờ The New York Times của Mỹ cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine gây ra căng thẳng giữa Nga và phương Tây, không chỉ được tiến hành bằng xe tăng, pháo binh và quân đội. Càng ngày, Moscow càng sử dụng nhiều loại “vũ khí” khác nhau, trong đó có cả tiền bạc, tư tưởng và thông tin. Mục tiêu của Nga là chia rẽ EU và bẻ gãy điều mà cho đến giờ vẫn tương đối thống nhất, dù đôi khi mong manh, là sự đồng thuận chống lại cái gọi là “sự xâm lược của Nga”. Nếu Nga bóc tách được một thành viên đơn lẻ của EU, về lý thuyết, họ có thể ngăn chặn việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế dự kiến được tiến hành cuối tháng này. Trong những ngày trước khi diễn ra G-7, cả các quan chức Mỹ và châu Âu đều công khai bày tỏ lo ngại về sự ngấm ngầm, thậm chí công khai của Tổng thống Nga trong việc giành thế chủ động trước các đồng minh phương Tây. Các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao châu Âu có vẻ tự tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được gia hạn tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu được tổ chức tại Brussels vào ngày 25 và 26 tháng này. Đức, thành viên nổi trội nhất của EU, đề nghị mở rộng lệnh trừng phạt cho đến tháng Giêng năm sau, và các quốc gia nhỏ hơn có thể là bất đắc dĩ tán thành. “Nhưng họ không hồ hởi với việc thêm nhiều biện pháp trừng phạt như một số quan chức Mỹ muốn”, tờ The New York Times bình luận. Nga vốn có truyền thống sử dụng ưu thế là một nhà cung cấp năng lượng để thống trị các khách hàng ở châu Âu, và giờ đây họ đang gây sức ép lên các nước ở Đông Nam châu Âu, gồm cả Hy Lạp. Và phát biểu trên RT ra ngày 7-6, ngay thời điểm diễn ra hội nghị G-7, Tổng thống Putin tuyên bố: “Chính sách quân sự của Nga là không quy mô toàn cầu, không tấn công, xâm lược”. Ông cho biết, Nga hầu như không có căn cứ ở nước ngoài, chỉ còn vài cơ sở do lịch sử để lại. “Nga đang giảm quy mô hiện diện quân sự trên toàn cầu, còn Mỹ thì hoàn toàn ngược lại. Hãy thử in một bản đồ thế giới và đánh dấu các căn cứ quân sự Mỹ trên đó, bạn sẽ thấy khác biệt”. |
Theo SaigonTimes