Núi lửa phun trào ở Indonesia khiến ít nhất 139 người thương vong
Theo báo cáo ban đầu, đến nay số nạn nhân thương vong trong vụ phun trào núi lửa Semeru ở miền Đông Java của Indonesia đã lên tới 139 người. Do ảnh hưởng của thời tiết nên công tác tìm kiếm người bị nạn đang gặp khó khăn.
Theo VOV-Jakarta, liên quan đến vụ núi lửa Semeru ở miền Đông Java của Indonesia phun trào vào ngày 4/12, lực lượng chức năng của nước này đã có thống kê ban đầu về thiệt hại của đợt thiên tai này. Theo đó đến nay đã có ít nhất 39 người chết và hơn 100 người bị thương. Nhiều ngôi làng đã bị dung nham, cho bụi chôn vùi hoàn toàn.
Được biết, hơn 5.000 cư dân tại hàng chục ngôi làng ở huyện Lumajang phải di tản do địa phương này đã mất đi sự sống, không chỉ người mà tất cả các công trình xây dựng, cây trồng và động vật nơi đây đều bị sức nóng kinh hoàng của núi lửa thiêu trụi.
Hosniya, 31 tuổi, người dân địa phương nơi đây nói với Reuters rằng vụ phun trào vô cùng bất ngờ và kinh hoàng. “Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một vụ nổ bom … mọi thứ xung quanh đột nhiên tối đen, giống như trái đất đến ngày tận thế”, cô nói.
Kể từ khi núi lửa Semeru bắt đầu phun trào, hàng nghìn nhân viên đội đặc nhiệm đã có mặt tại hiện trường để ứng cứu người dân. Hiện lực lượng này đang tập trung vào việc tìm kiếm người mất tích cũng như sơ tán và đảm bảo các dịch vụ cơ bản cho những người dân bị ảnh hưởng.
Bộ Công chính và Nhà ở công cộng Indonesia cũng cử lực lượng đến để đánh giá tác động thiệt hại cơ sở hạ tầng, làm sạch, khôi phục mạng lưới giao thông. Do thời tiết có mưa lớn, gió to kèm những đợt phun trào mây nóng ở khu vực tìm kiếm nên công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Một số địa điểm đội cứu hộ chưa thể tiếp cận được do mặt đất vẫn còn nóng quá sức cho phép.
Núi lửa Semeru là 1 trong 130 ngọn núi lửa còn hoạt động ở Indonesia, nó có lịch sử phun trào từ năm 1818.
Indonesia luôn nằm trong nhóm nước có số người thiệt mạng do núi lửa phun trào cao nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu núi lửa cho biết một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn về người và của trong vụ phun trào núi Semeru là do hệ thống cảnh báo sớm chưa hoạt động tối ưu.
Ông Irwan Subekti cho biết, thời điểm này người dân cần đề cao cảnh giác khi trên sườn núi Semeru vẫn có dấu hiệu của một vụ phun trào khác. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (BNPB) kêu gọi người dân không di chuyển trong bán kính 1-5km tính từ đỉnh núi Semeru.
Yên Yên (t/h)