Đã gần 4 tháng sau phiên tòa sơ thẩm nhưng chị Hường cũng như gia đình vẫn không nhận được bất kỳ lời hỏi thăm hay việc thương lượng bồi thường nào từ phía gia đình Phong.
Báo Thanh Niên đưa tin, liên quan đến vụ nam tài xế xe Mercedes tông chết tài xế GrabBike và khiến nữ tiếp viên hàng không thương tật 79%, sắp tới vào ngày 9/4, dự tính TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, thường trú tại Q. Gò Vấp, TP.HCM, nam tài xế trong vụ việc trên).
Trước đó, vào rạng sáng ngày 30/1/2020, Phong điều khiển xe Mercedes với tốc độ cao gây ra vụ tai nạn ở đường Hồng Hà (Q. Phú Nhuận), khiến tài xế GrabBike Lê Mạnh Thường (64 tuổi, trú Q.12) tử vong và nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi, ngồi sau xe ông Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%. Được biết thời điểm gây tai nạn, Phong không chỉ sử dụng chất ma túy và mà còn không có cả bằng lái xe.
Đến gặp chị Hường trong căn nhà rộng 70m2, giờ chị đã có thể tự đi từng bước khó nhọc, phía chân trái vẫn còn hằn những vết sẹo sau các ca mổ. Chị cho biết, hiện tại mình có thể tự đi những bước đi “chấm phẩy” và bàn chân trái bị lệch. Tuy là vậy nhưng việc đi lại vẫn rất hạn chế, vì nếu đi lại nhiều, phần xương chậu và đầu gối và hai bàn chân sẽ bị đau nhức.
Hiện nữ tiếp viên hàng không đang sống cùng mẹ ruột và con trai 2 tuổi, vì vẫn còn bất tiện trong sinh hoạt nên hàng ngày việc chăm sóc con trai đều nhờ cả vào mẹ. Sau tai nạn, phía cơ quan chỗ chị làm việc trước đây đã sắp xếp công việc ở mặt đất cho chị. “Nhưng hiện tại sức khỏe tôi vẫn chưa ổn định, nếu ngồi lâu phần lưng của tôi sẽ bị đau. Sau này, khi sức khỏe ổn định, tôi sẽ nghĩ đến việc đi làm lại. Còn bây giờ tôi chỉ ở nhà bán hàng online, rồi chăm sóc con trai nhỏ”, chị nói.
Sau ngày định mệnh đó, cuộc sống của chị đảo lộn hoàn toàn, từ một người yêu đời, thích đi đây đó, yêu công việc tiếp viên hàng không,… nhưng sau tai nạn, chị giống như người tàn phế, nằm liệt giường suốt 1 năm trời, phải từ bỏ công việc mơ ước. Chị thường xuyên phải trải qua những ca mổ đau đớn; mọi sinh hoạt đều nhờ mẹ và người được thuê đến chăm sóc… Từ đó đến nay đã hơn một năm, hiện tại tinh thần chị đã ổn định hơn trước.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 16/12/2020, TAND Q. Phú Nhuận (TP.HCM) tuyên phạt đối tượng Phong 7 năm 6 tháng tù giam và buộc Phong bồi thường số tiền 1,4 tỷ đồng cho chị Hường bao gồm các chi phí cứu chữa, tổn thất tinh thần, thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe…
Tuy nhiên, đã gần 4 tháng sau phiên tòa sơ thẩm nhưng chị Hường cũng như gia đình vẫn không nhận được bất kỳ lời hỏi thăm hay việc thương lượng bồi thường nào từ phía gia đình Phong. “Tôi nhớ chỉ duy nhất một lần khi tôi nằm viện, mẹ của Phong đến để van xin, gào khóc mong cho con trai bà được giảm án về nuôi con nhỏ, lo cho gia đình, tuyệt nhiên cũng không một lời hỏi thăm tôi. Từ lúc đấy đến bây giờ, họ cũng chưa hề liên lạc, chứ nói gì đến chuyện bồi thường”, chị Hường bức xúc.
Trong đợt xét xử phúc thẩm sắp tới đối với bị cáo Phong. Chị Hường mong rằng, HĐXX cấp phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội, vì theo chị bản án sơ thẩm 7 năm 6 tháng tù là quá nhẹ đối với hành vi của Phong. Nỗi đau mất mát không phải của riêng chị, mà còn có cả gia đình của người nam tài xế GrabBike. Điều đáng nói, bị cáo Phong đã chuyển nhượng căn nhà duy nhất của mình cho mẹ trong thời gian bị tạm giam.
Nữ tiếp viên hàng không cho rằng, đây là hành vi “tẩu tán tài sản” của Phong nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mong cấp phúc thẩm có thể tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng căn nhà và tiến hành kê biên tài sản của Phong, để đảm bảo quá trình thi hành án.
Yên Yên (t/h)