Ở tuần thai thứ 35, chị H. nhận tin mình mắc Covid-19, bệnh tình trở nặng diễn tiến nhanh, chị buộc phải sinh mổ sớm, nhiều lần chị đứng trước cái chết thế nhưng nhờ tình yêu với con và sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, chị đã 2 lần vượt cửa tử thành công, trở về với gia đình thân yêu của mình.
“Trước khi rơi vào hôn mê, tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều mình phải sống, nhất định phải sống để trở về với con. Con tôi sinh ra chưa được hưởng hơi ấm của mẹ một lần, tôi không thể bỏ con thế mà đi được”, nữ điều dưỡng Lê Thị H. xúc động kể.
Theo báo Dân Trí, chị H. sinh năm 1993, hiện đang sống tại Bình Dương. Chị là điều dưỡng tại Khoa tim mạch ở một bệnh viện tại TP.HCM. Còn chồng chị công tác trong lực lượng vũ trang.
Thời điểm TP.HCM bùng dịch, chồng chị trở thành lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Còn chị lúc này đang đang điều trị đái tháo đường thai kỳ, xin nghỉ làm chờ sinh.
Âm tính rồi dương tính
Vì không có ai bên cạnh nên cả gia đình bàn bạc, thống nhất để chị H. về quê ở Nghệ An sinh con cho yên tâm. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, ngày 17/7, chị H. cùng cháu gái đi taxi đến ga Suối Kiết (Bình Thuận) để lên tàu về Nghệ An.
Đến chiều 18/7, tàu về đến ga Sy (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tất cả hành khách được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định, chị H. cùng cháu mình đến Trạm Y tế xã Diễn Nguyên khai báo y tế và cách ly theo diện người trở về từ vùng có dịch.
Đêm cùng ngày (18/7) chị bắt đầu có triệu chứng sốt cao 38,5 độ C, đau mỏi người, khó thở. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau thì chị nhận kết quả dương tính với virus Vũ Hán.
Khi nhận được thông báo, nỗi sợ bao trùm lấy chị, mãi một lúc lâu sau, khi đã trấn tĩnh hơn, chị mới cầm máy gọi điện thông báo tình hình cho chồng. Chị lo bố mẹ già biết bệnh tình lại lo thêm. Chị thương và lo cho đứa con bé bỏng còn chưa chào đời, “nhỡ vào viện rồi không thể quay về được nữa thì sao?”…
Mình phải sống để trở về với con
Sau khi thu dọn hành lý, chị H. được chở thẳng vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An chữa trị và cách ly.
Bệnh diễn tiến quá nhanh, chị rơi vào tình trạng suy hô hấp. Để giảm áp lực cho chị và vì sợ chị không thể qua khỏi, các bác sĩ đã bàn bạc và thống nhất với gia đình quyết định phẫu thuật cho chị sinh sớm.
Cậu con trai được sinh ra ở tuần thứ 35, vừa chào đời đã phải cách ly với mẹ. Còn chị H sau đó phải điều trị thở oxy kính, chống viêm, kháng sinh, chống đông máu nhưng tình trạng vẫn cứ xấu dần, phải chuyển ra khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngay trong ngày.
“Sau khi nhập viện, tôi tỉnh táo được gần khoảng một tiếng. Khi bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, tôi hiểu mình đang ở trạng thái nguy kịch. Người thân, đồng nghiệp khi nghe tin đều khóc bởi tiên lượng rất xấu nếu không muốn nói là nguy cơ tử vong cao”, chị chia sẻ.
Khi không còn trụ được nữa chị rơi vào hôn mê, lúc đó, trong đầu chị chỉ có duy nhất một suy nghĩ “phải sống, mình nhất định phải sống, sống để trở về với con. Con tôi sinh ra chưa được hưởng hơi ấm của mẹ một lần, tôi không thể bỏ con thế mà đi được”.
Chị tưởng đâu mới nằm mấy tiếng đồng hồ, không ngờ khi tỉnh lại đã 4 ngày 4 đêm trôi qua.
Chị còn nhớ như in thời khắc mở mắt sau 4 ngày hôn mê, người đầu tiên chị nhìn thấy là các y bác sĩ và y tá. Họ vui mừng và đón chào chị như chào đón người thân của mình. Chị hiểu rằng, bản thân mình còn sống là nhờ các y bác sĩ ngày đêm cố gắng kéo chị lại với thế giới này. Cảm giác cảm nhận được mình còn sống, hít thở khí trời, chị hạnh phúc lắm.
Lần thứ 2 vượt cửa tử
Cứ tưởng nguy kịch đã qua thế nhưng 1 ngày sau, chị lại lâm vào diễn biến xấu, có biểu hiện suy hô hấp, đau tức ngực. Cuộc chiến giành sự sống cho chị lại tiếp tục.
Lần này sau gần 10 ngày ròng rã, chị mới có thể tự thở được tốt, được ngừng thở oxy kính và tích cực tập vận động, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng nâng cao thể trạng.
Ngày 19/8, tròn một tháng kể từ khi nhiễm virus Vũ Hán, chị H. được thông báo đã hoàn toàn khỏi bệnh, đủ điều kiện ra viện. Kết thúc 21 ngày cách ly tại nhà, chị H. được gặp con. Cháu hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm Covid-19, sau 8 ngày nằm viện, cháu đã được bà nội và cô đón về nhà chăm sóc.
Dù không được hưởng hơi ấm của mẹ, không được bú sữa mẹ nhưng trộm vía cháu vô cùng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lém lỉnh.
Đối với bệnh nhân Covid-19 nặng, mỗi giây phút trôi qua thật là quý giá
Sau 2 lần rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, chị H. cảm nhận rằng, đối với bệnh nhân Covid-19 nặng như chị, mỗi giây phút trôi qua thật là quý giá.
Chị H. vô cùng trân trọng và biết ơn những bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã luôn sát cánh bên mình trong hành trình vượt qua Covid-19.
Là bệnh nhân Covid-19, đồng thời cũng là một nhân viên y tế, bản thân chị H. hiểu về trách nhiệm, nỗ lực của các đồng nghiệp giành cho mình cũng như dành cho những bệnh nhân khác hơn ai hết.
“Những gì đã trải qua, được đón nhận từ những y bác sĩ, y tá, điều dưỡng khiến tôi nghiêm túc nhìn nhận lại mình. Trước nay tôi cứ nghĩ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của một điều dưỡng là được mà ít đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để thấu hiểu và sẻ chia với họ.
Người bệnh không chỉ cần khám chữa, thuốc thang mà họ còn cần được động viên, quan tâm, hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất. Một thìa cháo, một miếng nước, sự nhẫn nại, ân cần, cũng có tác dụng không kém một liều thuốc được kê.
Đừng vì áp lực công việc mà nảy sinh bực dọc cáu gắt với bệnh nhân. Tôi tự hứa với lòng mình, mai này, khi quay trở lại với công việc, tôi sẽ làm tốt hơn, như những gì mình được đón nhận từ những đồng nghiệp trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời mình”, chị H. tâm sự.
Yên Yên (Theo Dân Trí)