Nữ đạo diễn Dương Khiết qua đời hôm 15/4. Tuy nhiên sáng 17/4, thông tin về cái chết của bà mới được công bố, bà hưởng thọ 88 tuổi.
Sáng 17/4, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin đạo diễn Dương Khiết qua đời hôm 15/4 sau một thời gian lâm bệnh. Bà mất ở tuổi 88, giữ kín thông tin với truyền thông, bạn bè. Chỉ vài người thân mới biết tin này.
Hãng tin Phượng Hoàng cho biết vì tin tức đột ngột nên ngay cả báo chí cũng không chắc chắn. “Chúng tôi chỉ xác thực tin tức này sau khi gọi điện cho Trì Trọng Thụy”, tờ này cho biết.
Trì Trọng Thụy – diễn viên đóng Đường Tăng trong Tây du ký – xác nhận thông tin Dương Khiết qua đời trên trang Zhejiangonline.
Trên trang cá nhân, Lục Tiểu Linh Đồng bày tỏ sự đau buồn khi biết tin: “Tôi được anh Trì Trọng Thụy thông báo tin dữ, đau đớn vô cùng. Đây là mất mát lớn của làng phim truyền hình Trung Quốc. Dương đạo diễn không chỉ là ân sư của tôi mà còn là người dẫn dắt tôi trên con đường nghệ thuật. Không có Tây du ký thì không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Không có Tây du ký thì khán giả không thể thấy tôi đóng Mỹ Hầu Vương trên màn ảnh. Chúng tôi mãi nhớ về bà, mong bà an nghỉ”.
“Với riêng tôi, Dương Khiết không chỉ là người thầy mà còn là người có ơn lớn. Không có bà, không có Tây du ký, chắc chắn sẽ không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Khán giả mãi mãi không biết đến Mỹ hầu vương do Lục Tiểu Linh Đồng đóng”, ông chia sẻ thêm.
Nhiều nghệ sĩ như Mã Đức Hoa, Lưu Đại Cương thể hiện sự xót xa khi biết tin bà qua đời trễ. Những ngày qua, bà tự mình chống chọi với bệnh tật. Thông tin về lễ tang của bà cũng chưa được tiết lộ.
Dương Khiết sinh năm 1929 ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Bà kết hôn với nhà quay phim của Tây du ký là Vương Sùng Thu. Tác phẩm gắn liền với tên tuổi của bà là Tây du ký 1986, phiên bản kinh điển có tỷ lệ người xem cao nhất lịch sử truyền hình.
Tờ Sina miêu tả đây là “thần kỳ phim truyền hình”, phim để đời của ba thế hệ từ 7x đến 9x. Nhưng ít ai biết rằng khi lên ý tưởng thực hiện phim, đạo diễn Dương Khiết và ê-kíp gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói chặng đường quay phim Tây du ký chẳng thua gì “Đường Tăng lấy chân kinh”.
Tây du ký không thuộc các dự án được đầu tư lớn lúc bấy giờ. 25 tập phim được quay trong 6 năm, phải di chuyển khắp 30 tỉnh thành do thiếu phim trường. Bấm máy năm 1982, năm 1986 phát sóng 11 tập đầu tiên, đạt rating kỷ lục 89,4%. Sau đó, đoàn phim quay tiếp đến năm 1988 và chiếu trọn vẹn 25 tập. Đoàn phim lúc đó quay chật vật vì kinh phí 6 triệu NDT chỉ đủ thuê 1 quay phim, 1 máy quay.
Phim từng bị đài CCTV cắt gọt kinh phí và chỉ đạo dừng quay khi phim mới đi được nửa chặng đường. Đạo diễn Dương Khiết phải thương lượng nhiều lần, đảm bảo tự lo kinh phí mới được quay tiếp. “Muốn quay 30 tập nhưng ít kinh phí nên đoàn phim cắt giảm còn 25 tập”, Dương Khiết chia sẻ.
Khi phim thành công ngoài dự đoán, mang lại doanh thu lớn, Dương Khiết vẫn kiệm lời. “Điều thành công nhất của chúng tôi là đoàn phim năm đó không sợ khó, không ngại khổ. Chúng tôi chỉ cố hết sức cho vai diễn. Một người đóng nhiều vai, kiêm vai trò hậu trường nhưng vẫn vui vẻ”, bà nói.
Trong điều kiện làm phim thiếu thốn, Dương Khiết thể hiện bản lĩnh, sự dày dạn kinh nghiệm khi chọn diễn viên, khắc phục khó khăn trên phim trường. Bà từng phát hành cuốn sách Xin hỏi đường ở nơi nào, kể về hành trình làm phim Tây du ký.
Tây du ký khởi quay năm 1982, phát sóng lần đầu năm 1986 và tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc cùng nhiều nước châu Á. Sau ba thập niên, có nhiều phim đề tài Tây du ký ra đời, song phiên bản của đạo diễn Dương Khiết luôn giữ sức sống mãnh liệt.
TinhHoa tổng hợp