Tinh Hoa

Nokia và mì Miliket: Khi “đứng yên” là đòn chí mạng

Trên thế giới, Nokia “không làm gì sai” nhưng đã ngã ngựa và bị xóa tên; còn mì Miliket ở Việt Nam cũng “chưa sai gì nhiều” nhưng thị phần từ 90% đã teo tóp dần và chỉ còn sống lay lắt.

Lời cay đắng đầy ám ảnh của CEO Nokia: “Chúng tôi không làm điều gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua cuộc”.

Chuyện ở Tây…

Đầu năm 2016, trong buổi họp báo công bố việc Nokia bị mua lại bởi Microsoft, CEO của Nokia đã kết thúc bài phát biểu của mình với câu nói: “Chúng tôi không làm điều gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua cuộc”.

Ngay sau câu nói này, CEO Nokia cùng các cộng sự của ông đã rơi nước mắt một cách buồn bã.

Nokia từng là một đế chế. Ngay sau khi chào đời, chiếc điện thoại Nokia 3310 đã nhanh chóng trở thành một huyền thoại, báo hiệu một thời kì bất khả chiến bại của công ty đến từ Phần Lan.

Quả thực, trong thời gian dài hơn một thập kỷ, Nokia không có đối thủ về doanh số. Họ là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Nhưng bây giờ, cái tên Nokia đã bị xoá sổ.

Hành trình bước đến vực thẳm ấy, Nokia chẳng làm gì sai, nhưng họ cũng không làm gì đúng. Bởi, trong một thế giới không ngừng vận động, việc bạn đứng yên trong khi các đối thủ không ngừng vươn lên đã là một sai lầm trí mạng.

Nokia đã không chịu học hỏi, bỏ lỡ sự thay đổi cần thiết, và do đó họ mất cơ hội trong tay để tiến tới một tầm cao mới. Không chỉ đánh lỡ mất cơ hội kiếm tiền, Nokia đã bỏ qua mất cơ hội để sống sót.

Nokia không phải là trường hợp cá biệt, trước đó, là sự sụp đổ của huyền thoại Kodak, hay trong tương lai, cũng có thể là Sony, Panasonic, khi mà những câu khẩu hiệu, phương châm của công ty đã trở nên lạc lõng giữa dòng chảy mới.

“Nét như Sony”, “Đẹp như Panasonic” hay “10 năm vẫn chạy tốt” dường như đã già cỗi so với những tiêu chí “rẻ hơn, đẹp hơn, công nghệ cao hơn” từ những đối thủ cạnh tranh của họ.

Sản phẩm thì ai cũng muốn bền đẹp, nhưng “10 năm vẫn chạy tốt” thì nghe chừng không hợp thời, bởi công nghệ đang thay đổi từng ngày, chạy tốt như thế, cũng chẳng thể làm gì để cạnh tranh.

Đến việc ở Việt Nam, khi “Vua mỳ” chỉ sống nhờ ký ức

Những năm 90 của thế kỷ trước, mỳ ăn liền Miliket của CTCP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket chiếm đến 90% thị phần tại Việt Nam. Miliket thân thuộc đến nỗi hình ảnh hai con tôm trên gói mỳ đã được danh từ hoá để gọi tên chung cho mỳ ăn liền, là mỳ tôm.

Miliket thân thuộc đến nỗi hình ảnh hai con tôm trên gói mỳ đã được danh từ hoá để gọi tên chung cho mỳ ăn liền, là mỳ tôm.

Khi thị trường mở cửa, công ty cũng đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng so với những đối thủ cùng ngành thì chỉ như muối bỏ biển. Doanh thu sụt giảm dần khiến Miliket không thể bỏ tiền cho những chiến dịch truyền thông.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương hiệu và cả người tiêu dùng nhận định, “vua mỳ tôm” quá bảo thủ. Nhiều năm nay Miliket thậm chí không cải tiến mẫu mã bao bì, vẫn dùng hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy, các sản phẩm mới được tung ra không có tính đột phá.

Gần như mỳ được tiêu thụ là bởi “ký ức ngày xưa” của một bộ phận tiêu dùng. Nhưng, “ký ức” này chỉ giúp cho công ty duy trì sự sống, âm thầm tồn tại.

Trên thực tế, những gói mỳ 2 con tôm này đã biến mất khỏi những kệ hàng nơi thành phố, nó xuất hiện lặng lẽ ở khu vực nông thôn với những người tiêu dùng bình dân, thu nhập thấp, với mức giá từ 2.700 đồng đến 6.000 đồng.

Ngoài ra, hãng mỳ gói ăn liền này dường như đang chấp nhận “sống mòn” bằng cách sử dụng chiến lược kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận thấp.

Năm 2012, lợi nhuận công ty là 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 31,14 tỷ đồng, tăng 10,42 tỷ so với 2014.

Chưa đến 20% thị phần cho hàng chục doanh nghiệp còn lại, trong đó có Colusa – Miliket. Có thể thấy rằng, hiện tại mì Miliket chiếm một thị phần cực nhỏ.

Tuy nhiên, mức tăng này là bởi công ty đã “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhiều chi phí. Chính sách này tiếp tục được duy trì sang năm 2016. Với phương thức đó, Miliket có thể vẫn tồn tại, nhưng lay lắt liệu có phải là một cách hay?.

Thành công của ngày hôm qua không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục vào ngày mai. Nó hoàn toàn có thể bị thay thế bởi xu thế của những ngày nối tiếp.

Nếu không thay đổi, doanh nghiệp hoàn toàn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đó không phải là một sai lầm khi bạn không chịu học hỏi những điều mới. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ của bạn không bắt kịp được với dòng chảy của thời gian, bạn sẽ bị bỏ lại.

Theo ttvn