TP – Hàng trăm hộ làng nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ đang từ bỏ nghề mang lại doanh thu trăm tỷ hằng năm và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Làng nghề nuôi rắn Tứ Xã đứng trước nguy cơ phá sản vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm (ảnh lớn), Rắn nái đẻ trứng (ảnh nhỏ) Nhà nhà nuôi rắn Những con rắn hổ mang nặng vài ba cân rên phì phì khắp phía. Người yếu vía không dám lại gần chuồng, nhưng với anh Bùi Văn Toàn, lũ rắn đã trở nên thân thương gần gũi. “Con này đang chửa, con kia mới đẻ trứng. Hôm nay nóng quá nên chúng ăn yếu…” – anh Toàn lật từng ô cửa, ghé sát dùng móc sắt nâng bụng từng con kiểm tra. Trên tay còn lại anh cầm theo rổ gà con đã mổ sạch bón vào ổ rắn. 400 con rắn nái, 250 rắn con, khoảng 450 con rắn thịt đã đến tuổi xuất chuồng, từng con được đánh số để tiện theo dõi chăm sóc, ba hệ thống chuồng xây ở nách bếp và dưới tầng hầm ngôi nhà ba tầng khang trang, cửa vào chuồng trại được thiết kế chặt chẽ có lưới sắt an toàn. Gia đình anh là một trong những hộ nuôi rắn sớm nhất ở Tứ Xã từ gần 10 năm trước. Nhà tầng mọc lên khắp xã. Một xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới như Tứ Xã đã góp sức cho những tiêu chí khó từ làng nghề nuôi rắn. Ít ai tin rằng làng nghề tiêu thụ cả tiền tỷ mua cóc làm thức ăn cho rắn mỗi ngày. Thời kỳ cao điểm, khắp xã nhà nhà theo nhau, tự học hỏi truyền tay kinh nghiệm mà lên đến 470 hộ nuôi rắn, chiếm một phần ba dân số xã (xã đông dân nhất huyện Lâm Thao – hơn 1 vạn người). Nuôi rắn mang lại lợi nhuận “khủng” mà chỉ làm nghề kiểu nông nhàn. Nhiều hộ giàu lên nhanh chóng. Giá trị chăn nuôi rắn cả xã từng đạt đến 100 tỷ một năm. Bị động đầu ra Chính quyền UBND huyện cũng đã về nhiều lần, họp bàn nhiều lần tìm lối ra cho làng nghề có nguồn thu chủ lực, song cả “quan và dân” chỉ biết ngậm ngùi, im lặng. Đầu tư chuồng trại công phu, có người bị tháo khớp chân tay vì rắn cắn, thiệt hại bằng cả xương máu mà bỏ nghề thì không đành. Khuyến nông nhiều khi vẫn là nói – làm chưa sát. Dân Tứ Xã vẫn làm ruộng như trước, chưa ai bỏ nghề nông khi con rắn mang lại lời lớn, nhưng hạt lúa muôn đời vẫn thế, chúng tôi mong có một phép lạ cho làng nghề tiêu thụ được con rắn… Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã Nhưng bây giờ những hộ như nhà anh Toàn đang cầm cự, thậm chí lỗ trông thấy. Mỗi tháng với số lượng rắn như nhà anh ngốn hơn 20 triệu đồng thức ăn. Quanh vùng hiếm ai nhìn thấy con cóc nào nữa. Dân buôn cóc từ xa mang hàng về đã nâng giá lên đến 50 ngàn đồng/kg, mà hàng mỗi ngày một khan hiếm. Các hộ nuôi rắn giờ cho ăn bằng gà con thải loại từ các trại gà, giá cũng không rẻ, khoảng 40 ngàn đồng/kg. Trong khi giá rắn thịt từ lúc 1,2 – 1,4 triệu đồng/kg, nay chỉ còn 600 ngàn đồng/kg. Thương lái đến từ Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lạng Sơn… không còn vồ vập như trước, họ ép giá bằng đủ chiêu khi chỉ nhập hàng tốt (rắn nhiều thịt, chắc mình, nhanh khỏe). Chỉ với nguyên nhân duy nhất: phía Trung Quốc bây giờ mua rắn rất cầm chừng, có lúc ngừng nhập.
Ông hội trưởng làng nghề Nguyễn Quang Trúc, cho biết hầu hết rắn được tiêu thụ ở Trung Quốc. Họ mua rắn về thịt. Nhưng giờ đây họ chuyển sang ăn trứng rắn nhiều hơn, có lẽ đó là nguyên nhân rắn thịt làng Tứ Xã không bán được giá nữa. Hàng trăm hộ đã chuyển sang nuôi rắn nái đẻ trứng. Cao điểm được giá khoảng 150 ngàn đồng/ quả, giờ chỉ còn 40 ngàn đồng/quả. “Hình như phía Trung Quốc cũng ít ăn trứng rồi”, ông Trúc nói, chính ông đã tìm sang cả Trung Quốc xem họ mua rắn và trứng về để làm gì. Đã thế nuôi rắn nái khó hơn nuôi rắn thịt. Một lứa đẻ vài quả, chăm sóc kỹ thuật không khéo thì rắn đẻ toàn trứng xịt (không có đực), vì phối giống là việc làm nguy hiểm và rất khó. Tới nay tại Tứ Xã, chỉ còn khoảng 200 hộ cầm chừng với nghề. Năm 2014 xã chỉ còn khoảng 30 ngàn con, giảm tới 15 ngàn con so với năm trước, giá trị sản xuất của tổng đàn (trâu, bò, gà, lơn, cá, rắn) chỉ còn hơn 50 tỷ đồng. Mấy năm trước, chi nhánh tín dụng xã bận bịu với hàng chục tỷ mỗi tháng cho vay, vay trả rất sòng phẳng và đúng kỳ hạn, giờ người tìm đến quỹ vắng như chùa bà Đanh, chả mấy ai còn dám đánh đu với tín dụng mà nuôi rắn. Như nhà anh Thành bây giờ mỗi tháng thấy lỗ mấy triệu đồng. Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ từng về xã nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật lấy nọc rắn mang bán thị trường, nhưng… “chả ma nào mua”, ông Trúc nói. Họ tìm đến nhiều cơ sở sản xuất dược phẩm khắp miền Bắc để rồi nhận lấy cái lắc đầu. Xã quay ra làm thêm sản phẩm rượu rắn, nhưng cũng không bán được. Cái bế tắc hiện lên trong ánh mắt ông hội trưởng. Chính nhà ông từ lúc nuôi cả ngàn con rắn thịt, giờ đây chỉ còn vài chục con… nuôi chơi, mổ thịt tiếp bạn lúc cao hứng. Ông còn nói cái chợ rắn có hàng chục ki ốt ở Móng Cái trước kia làng mang rắn lên là họ tranh nhau mời vào, nay dãy ki ốt này đã xóa sổ. |
Theo Tiền Phong