Vào đầu năm mới Ất Mùi, Nguyễn Thị Đào, nhân vật trong chương trình “Điều ước thứ 7” trên VTV đã tìm đến Báo Lao Động để trải lòng và hát tặng bạn đọc.
Đào chia sẻ nỗi niềm với PV “Em đau lắm”…
Mới trở lại làm việc sau Tết, chúng tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của cô gái tự xưng là Đào, nhân vật trong chương trình “Điều ước thứ 7” đã gây xôn xao dư luận vừa qua. “Vừa qua, có rất nhiều bài báo viết về em, nhưng em thấy báo Lao Động đã chia sẻ với em một cách chân thành. Bây giờ sóng gió đã qua, nhưng tâm tư em còn có nhiều điều trĩu nặng muốn chia sẻ, mong báo Lao Động sẽ là cầu nối giữa em với mọi người”, giọng Đào nhỏ nhẹ, tha thiết. Và rồi y hẹn, Đào đã tìm đến Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ Báo Lao Động tại TP Vinh, trải lòng với chúng tôi trong suốt một buổi sáng. “Em đau lắm, vì cho đến nay, vẫn có một số người cho rằng em cố ý lừa đảo, sắp đặt để được phát sóng chương trình, mặc dù biết rõ là Thanh đã có vợ”, Đào nhắc lại nhiều lần, xen lẫn tiếng nức nở. “Làm sao một cô gái mù lòa, yếu đuối như em lại có thể lừa dối được người khác?”, em nghẹn ngào. “Em đến với Thanh là sự tình cờ, tất cả đều do Thanh chủ động. Tuy nhiên, em đã yêu thật lòng, và vô cùng hạnh phúc với tình cảm và sự chăm sóc của Thanh”, Đào thành thật. Đào kể, em đã đến nhà Thanh 6 lần; lần ở lại lâu nhất là một tháng. Mỗi lần như vậy, Thanh đều giới thiệu Đào là bạn gái, và hai người có đưa nhau đi hát rong ở một số nơi tại Thanh Hóa, như ở chợ Môi (Quảng Xương)… Bố Thanh thì tỏ ra thông cảm, còn mẹ Thanh thì phản đối. “Trong tất cả những lần ấy, em chưa hề được gặp người nào là vợ của anh Thanh cả; và chưa bao giờ gặp con của anh Thanh”, Đào cho biết. “Nếu biết anh Thanh đã có vợ, thì em không bao giờ chấp nhận đến với anh ấy, thà em ở vậy suốt đời”, Đào kiên quyết.
Thậm chí, để xác minh, Đào đã lần lên tận UBND xã Quảng Đại, được dẫn lại gặp một người giới thiệu tên là Thành, làm công an xã. Đào nhờ anh Thành xác minh xem anh Nguyễn Bá Thanh con ông Nhữ ở thôn 8 đã kết hôn với ai chưa, và được người này trả lời là chưa, sau khi đã xem xét các giấy tờ. Đào đã xin số điện thoại của anh Thành này và sau này đã cung cấp cho chị Diệp Chi – BTV Đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, Đào không hiểu vì sao sau này trên báo chí, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng lại cho rằng Đào đã cung cấp cho BTV Diệp Chi số điện thoại của một người tên là Toàn, cán bộ UBND xã Quảng Đại; và sau này khi sự cố xẩy ra thì nhân vật này “không hề tồn tại”. Sẽ gắng nuôi bé Sao Mai đến hơi thở cuối cùng “Em cũng chưa bao giờ nói với ai là bố mẹ của em đã mất, em còn có một người chị em gái mù lòa”, Đào khẳng định. “Nếu vậy em quá có tội với bố mẹ của em, và không bao giờ dám gặp mặt bố mẹ em nữa”. “Lại có người trong gia đình của anh Thanh nghi ngờ bé Sao Mai có thể không phải là con của anh ấy. Sao họ lại có thể nói thế được? Bây giờ khoa học có thể dễ dàng xác minh mối quan hệ huyết thống. Em rất đau lòng khi có người suy nghĩ như vậy”, Đào bức xúc. Đào cũng cho biết thêm là sau sự cố liên quan đến chương trình “Điều ước thứ 7”, Thanh đã không còn liên lạc, hỏi thăm Đào và bé Sao Mai; Đào cũng không biết số điện thoại cũng như không biết Thanh ở đâu để liên lạc. Một mình Đào vẫn lặn lội đi từ Nam chí Bắc để hát rong, bán vé số, bán tăm nuôi thân và nuôi bé Sao Mai. Mỗi bài hát ở quán cà phê em được trả 50.000 đồng; mỗi ngày bán vé số em có thể kiếm được khoảng 60.000 đồng. Đào tiết kiệm hết mức, không ăn sáng, buổi trưa chỉ ăn cơm khoảng 15.000 đồng, buổi tối ngủ trọ 20.000 đồng/đêm. “Dù còn một chút hơi thở, em cũng gắng đi làm để nuôi bé Sao Mai, bé dễ thương và ngoan lắm”, Đào tha thiết. Trước khi chia tay, Đào đã hát tặng bạn đọc báo Lao Động một số đoạn trong các bài hát mà em thường hát. Đào tự “đệm nhạc” bằng cách bấm điện thoại, mở file bản nhạc không lời bài hát, rồi hát theo, như trải lòng trong từng câu hát. “Trước đây em và anh Thanh thường hát dân ca. Sau khi anh ấy rời bỏ em, em thường hát nhạc vàng”, Đào chia sẻ. Video clip Nguyễn Thị Đào hát tặng bạn đọc: |
Theo Lao Động