Các nhà khoa học đã tìm thấy một phương pháp mới đầy hứa hẹn trong việc điều trị bệnh tiểu đường ở người. Điều đặc biệt là phương pháp này đến từ nọc độc của thú mỏ vịt.
Thú mỏ vịt và thú lông nhím là loài động vật đơn huyệt duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Chúng có khả năng sản xuất một hoóc môn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
Hoóc môn này tên là glucagon like peptide-1 (GLP-1), cũng được sản xuất ở người và các động vật khác. GLP-1 được tiết ra trong ruột, có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết insulin làm giảm nồng độ đường huyết.
Tuy nhiên GLP-1 ở con người thường bị phân hủy rất nhanh chóng, có thể chỉ trong một vài phút.
Điều này có nghĩa là, đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, sự sản sinh insulin được kích hoạt bởi hoóc môn không đủ để duy trì sự cân bằng đường huyết, đó là lý do tại sao một số bệnh nhân tiểu đường loại 2 phải phụ thuộc vào thuốc để tăng tiết insulin.
“Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra rằng hoóc môn GLP-1 ở động vật đơn huyệt – thú mỏ vịt và thú lông nhím – đã có những thay đổi trong hoóc môn GLP-1, khiến chúng có khả năng chống lại sự phân hủy nhanh chóng thường gặp ở người. Chúng tôi thấy rằng GLP-1 bị phân hủy trong động vật đơn huyệt bằng một cơ chế hoàn toàn khác”, nhà nghiên cứu Frank Grutzner tại Đại học Adelaide cho biết.
PGS. Briony Forbes, đồng tác giả nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra các chức năng xung đột của GLP-1 trong thú mỏ vịt: Trong ruột, GLP-1 đóng vai trò như bộ điều chỉnh đường huyết và trong nọc độc là để chống lại các con thú mỏ vịt đực khác trong mùa sinh sản. Sự xung đột giữa các chức năng khác nhau đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống GLP-1.
Chức năng trong nọc độc có thể đã kích hoạt sự phát triển của một dạng GLP-1 ổn định trong động vật đơn huyệt. Các phân tử GLP-1 ổn định này có triển vọng trở thành một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm trong tương lai.
GLP-1 cũng đã được phát hiện trong nọc độc của thú lông nhím. Nhưng trong khi thú mỏ vịt có cựa trên chân sau để cung cấp một lượng lớn nọc độc cho đối thủ của nó, thì thú lông nhím lại không có cựa này.
Tổng hợp