Hành động lần này do Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, một thành viên của Liên minh Vì Nạn nhân của Chế độ Cộng sản Trung Quốc (tổ chức có đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc tham gia) thực hiện.
Trên trang cá nhân của International Youth Movement For Human Rights, bà Teresa Trần Kiều Ngọc gửi thư kêu gọi hỗ trợ nỗ lực của họ trong việc thực hiện đăng tải thông điệp lên tờ báo lớn nhất tại Úc, The Australian, nguyên trang, trong hai tuần tới để vận động chính quyền Úc ban hành đạo luật Magnitsky trong thời gian sớm nhất có thể.
Lời kêu gọi này bao gồm việc vận động hành lang và cả tài trợ. Theo đó, kêu gọi các cử tri liên lạc với các dân biểu, thượng nghị sĩ trong vùng của mình để kêu gọi họ hỗ trợ đạo luật Magnitsky, và bỏ phiếu thông qua khi được biểu quyết tại quốc hội.
“Một trang đăng theo dạng quảng cáo như thế tốn $34,000 đô Úc. Hiện nay đang có được 6 ngàn đô la hỗ trợ, nên cần thêm 28 ngàn đô la nữa”, bà Ngọc cho biết.
‘Đạo luật Magnitsky’ là một loại luật cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài vi phạm hoặc có liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tham nhũng ở nước ngoài. Luật này hoạt động ngoài lãnh thổ, áp đặt các hình phạt đối với các cá nhân hoặc công ty, bao gồm cả việc đóng băng và trưng dụng tài sản cũng như cấm đi lại, đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài quyền phán xét của quốc gia lập pháp.
Hồi cuối năm 2019, bà Lucy Triệu, giám đốc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc đã phát biểu tại cuộc Mít-tinh chung kêu gọi Chính phủ Úc thông qua đạo luật trừng phạt thủ phạm nhân quyền này.
“Chúng tôi nghe nói rằng chính phủ Úc đang thảo luận việc thông qua luật về Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Đạo luật này sẽ ngăn chặn những người vi phạm nhân quyền đến Úc. Chúng tôi ủng hộ đạo luật này”, bà Triệu nói.
Từ Thức