Hiện tại, thời tiết ở Đà Nẵng vẫn đẹp, tuy nhiên có gió mạnh. Người dân đang căng mình, nín thở chờ đợi cơn siêu bão đổ bộ.
Để đối phó với bão số 9, từ sáng sớm nay (27/10), gia đình bà Nguyễn Thị Mau (66 tuổi, ngụ thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã cùng nhau đào căn hầm tại khu đất cát phía bên hông nhà để tránh trú gió bão.
Theo ghi nhận, tới đầu giờ chiều cùng ngày, căn hầm của gia đình bà Mau đã ở công đoạn hoàn thành với diện tích khoảng 6m2, cao khoảng 2m. Sau khi đào một số sâu, gia đình bà Mau dùng mái tôn đóng sẵn lợp lên trên đồng thời dùng bao cát chằng chống lên mái tôn để cố định, không bị gió cuốn bay khi bão vào. Bên trong hầm, gia đình bà đưa nhu yếu phẩm, thức ăn nước uống để sẵn, đề phòng khi bão vào thì cả nhà cùng vào trú tránh. Theo bà Mau thì căn hầm này có thể chứa được 10 người.
Bà Mau cho biết đào hầm là cách đối phó bão hữu hiệu của bà con vùng biển Bình Minh từ xưa đến nay. Đây là cách phòng tránh những cơn bão lớn một cách “an toàn tuyệt đối”.
1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm vào miền Trung
Bản tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát lúc 15h30 chiều ngày 27/10 cho biết, dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 9 (Molave) có trục ở khoảng 12-15 độ Vĩ Bắc đang hoạt động mạnh. Trước đó nửa giờ, vị trí tâm bão nằm ở khoảng 13,5oN; 112,8oE, cách Đà Nẵng khoảng 580km, cách Quảng Nam 520km, cách Quảng Ngãi 470km, cách Phú Yên 390km và di chuyển với tốc độ khoảng 22km/h.
Dự báo,đêm nay và ngày mai (28/10), ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa bão.
Từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Từ trưa nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 từ Ban Chỉ đạo tiền phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nghe báo cáo từ hiện trường và có các chỉ đạo trực tiếp qua điện thoại với Phó Thủ tướng.
Được biết, đây là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão số 9 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương.
Theo báo cáo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.
Cụ thể, Quảng Nam: 129.194 người dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi: 94.269 người, dự kiến xong trước 17h/27/10. Bình Định: 96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10. Phú Yên: 27.653 người dự kiến xong trước 17h/27/10. Thừa Thiên Huế: 67.812 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Đà Nẵng: 32.626 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.
Từ Thức (t/h)