Trả lời báo chí hôm 22/4, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Ngày 22/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời báo chí về việc xử lý những người liên quan đến gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Theo đó, Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những em thí sinh vẫn đủ mức trúng tuyển ban đầu nhưng dính vào gian lận sẽ có thể phải buộc thôi học.
Nói về việc 16 cán bộ giáo dục, công an ở ba tỉnh đã bị khởi tố vì liên quan gian lận điểm thi nhưng Chủ tịch Hội đồng thi và phụ huynh trong ngành có con em được nâng điểm chưa bị xử lý, ông bày tỏ: “Tôi rất đau lòng và không chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
“Bộ đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình, tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ này”.
Ông cũng nhắc lại, các đại học khối công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương những thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển với thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
“Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm chuẩn thì trước mắt các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, em nào có tham gia vào quá trình gian lận sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông cho biết thêm.
Sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng mạnh mẽ về những sai phạm ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Các chuyên gia, nhà giáo cũng khẳng định để công bằng cho tất cả thí sinh, không nên công nhận kết quả của thí sinh được nâng điểm dù điểm thật của họ đủ để trúng tuyển.
“Phải xác định rõ người nhận tiền nâng sửa điểm là người nhận hối lộ, còn phụ huynh đi ‘mua’ điểm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh của người đưa hối lộ, chứ không phải là lỗi vi phạm thông thường”, Ông Lê Như Tiên, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chia sẻ.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho biết: “Gian lận thi cử đã làm hàng trăm thí sinh giỏi bị mất chỗ vào trường ĐH mà họ yêu thích, làm méo mó chính sách đào tạo nhân lực, tài năng của đất nước. Đó là thất thoát tài năng rất lớn”.
“Để công bằng với tất cả thí sinh, quan điểm của tôi là không công nhận kết quả thi, xét tuyển của thí sinh có bài thi nâng điểm. Nếu thí sinh muốn đi học thì có thể được phép thi lại vào năm sau. Như thế mới giáo dục được các thế hệ học sinh sau này học thật, thi thật, chăm chỉ, trung thực”.
Thùy Linh (t/h)
Xem thêm: