Ông Peter Humphrey, một doanh nhân và điều tra viên người Anh, đã phải trải qua 23 tháng bị giam cầm trong nhà tù Trung Quốc vì tội danh không thuộc về mình, và đó là những ngày tháng tăm tối nhất trong cuộc đời ông. Dưới đây là câu chuyện do chính ông kể lại.
Vào tháng 1/2013, công ty dược phẩm hàng đầu Anh Quốc GlaxoSmithKline (GSK) đã nhận được một email nặc danh cáo buộc nhân viên công ty này hối lộ tràn lan các quan chức và bác sỹ nhằm tăng sức bán hàng ở Trung Quốc.
Hai tháng sau, công ty lại nhận được một cuốn băng nhạy cảm về Mark Reilly, giám đốc GSK tại Trung Quốc. Sau đó GSK đã thuê ChinaWhys, một công ty chuyên tư vấn quản trị rủi ro ở Thượng Hải để điều tra Vivian Shi, cựu Giám đốc phụ trách quan hệ Chính phủ , với nghi ngờ cô đã gây nên một chiến dịch bôi nhọ vào thời điểm đó.
ChinaWhys là công ty được điều hành bởi giám đốc người Anh Peter Humphrey và vợ là Yu Yingzeng, một người Mỹ gốc Hoa. Cả hai đều được công nhận là những chuyên gia điều tra gian lận chuyên nghiệp.
Tháng 6/2013, chính phủ Trung Quốc công bố một cuộc điều tra về vụ hối lộ của GSK Trung Quốc. Tháng 7, ông Humphrey và bà Yu bị bắt giữ vì tội danh “thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp” của công dân Trung Quốc. Câu chuyện đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới và trong tháng 8/2013, hai vợ chồng này đã công khai “nhận tội” trên kênh truyền hình quốc gia, tuy nhiên sự tình bên trong lại không đơn giản vậy.
Vào tháng 8/2014, Humphrey và vợ đã bị kết án lần lượt 30 và 24 tháng tù. Trong một phiên tòa vào tháng 9/2014, GSK Trung Quốc cũng bị kết tội hối lộ và phải trả khoản tiền phạt là 297 triệu bảng Anh, khi đó các giám đốc đều được phóng thích. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6/2015 dưới áp lực của ngoại giao, Humphrey và vợ mới được phóng thích trong tình trạng sức khỏe kém, và họ ngay lặp tức rời khỏi đất nước này.
Trong 23 tháng bị giam cầm tại Trung Quốc, ông đã đọc khoảng 140 cuốn sách bao gồm các tác phẩm kinh điển về nhà ngục như: Tội ác và Hình phạt của Dostoyevsky, Người Đàn ông trong chiếc Mặt nạ Sắt của Dumas, Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich, và Nữ tù nhân của Teheran của Marina Nemat. Đây là những món ăn tinh thần giúp ông vượt qua chuỗi ngày khó khăn.
Trung tâm giam giữ nơi ông ở là một trong những nhà tù nổi tiếng của Trung Quốc. Đó từng là một nhà tù “lao động giáo dưỡng” do những tay sừng sỏ trong chế độ độc tài của Trung Quốc cai quản. Ngày nay, dù nhà nước nói rằng họ sử dụng nó làm một trại giam nhưng thực tế nơi này vẫn là một trung tâm tra tấn. Các tù nhân không hề được xét xử và ngay trong ngày đầu tiên khi đến đây, họ đã phải đối mặt với những điều khủng khiếp. Mục đích chính là để cô lập, làm suy sụp tinh thần và ý chí của tù nhân. Rất nhiều tù nhân đã gục ngã nhanh chóng. Sau đây là những gì ông Peter Humphrey kể lại:
“…Vào khoảng 3h sáng, tôi bị quăng vào một căn phòng nóng bức. Vì vậy mới biết rằng, tù nhân nơi đây được đưa đến hoặc đi chủ yếu vào ban đêm. Điều này càng tạo thêm nhiều áp lực cho tù nhân, khiến họ trở nên yếu đuối, dễ gục ngã và thừa nhận tội trạng của mình… Một người đàn ông đến quăng chiếc chăn bẩn vào một chỗ bên cạnh nhà vệ sinh rồi nói: “Hãy ngủ ở đó”. Đầu tôi nóng lên. Sững sờ và mệt mỏi, nước mắt ứa ra…
..Tôi được chuyển đến phòng giam số 203 và được phát một chiếc áo màu cam. Trưởng phòng tôi họ Lưu, 34 tuổi, bị kết án 13 năm tù vì sở hữu súng để săn thỏ, ông nói “hầu hết tù nhân ở đây phạm tội về tiền bạc, nhưng tôi phải ở đây chỉ vì sở thích của mình”. Có 3 tù nhân Trung Quốc cũng ở độ tuổi 50 như tôi, họ đang mắc các chứng bệnh mãn tính. Cả ba đều là những doanh nhân giàu có và được cho là đối nghịch với hệ thống chính trị. Tất cả đang chờ xét xử, bị buộc tội gian lận. Khu phòng giam này có biệt danh là “phòng giam bệnh tật” còn tôi thì gọi nó là “phòng giam tỷ phú”.
Nhưng bất kể phòng giam nào thì các nghi thức cũng gần giống nhau. Đặc biệt là khoảng “thời gian học tập”. Chúng tôi thường phải ngồi trong “phòng tuyên truyền” để học các “bài học” tuyên truyền từ TV. Các tù nhân ngồi lặng lẽ. Một số người lén đọc sách. Những người khác lại suy nghĩ về tình huống, về mơ ước của họ. Không ai thực sự “học” những điều trên TV một cách nghiêm túc, mặc dù đôi khi chúng tôi phải viết báo cáo về buổi học.
Đó là cuộc sống của chúng tôi, không gia đình thăm hỏi, không thư từ, chỉ có những cuộc trao đổi với luật sư. Các tù nhân ngoại quốc có thể được gặp lãnh sự quán, dưới cặp mắt ghen tị của những bạn tù Trung Quốc. Usha, phó tổng lãnh sự quán là người thường xuyên thăm viếng tôi, trợ lý của cô ấy Susie giúp chuyển tin nhắn đến gia đình tôi, mang cho tôi những quyển sách và tạp chí sức khỏe. Họ thật tốt. Trong suốt thời gian ở trung tâm giam giữ này tôi đã mắc không ít bệnh tật như U tiền liệt tuyến, thoát vị bụng, phát ban, nhiễm trùng hậu môn, tiêu chảy liên tục, vết thương ở cột sống. Và tôi cũng không được điều trị.
Những cuộc thẩm vấn diễn ra thường xuyên. Tôi bị khóa trong một cái lồng thép, ngồi trên chiếc ghế sắt và đối mặt với 3 người cảnh sát, cứ một hoặc hai lần thì sẽ đổi người thẩm vấn và họ đến từ một bộ phận khác của hệ thống cảnh sát Trung Quốc. Những người này không hề muốn nghe bất kỳ lời giải thích nào từ tôi. Họ cố gắng gán ghép khiến tôi và Ying như thể đã kiếm được hàng triệu USD từ việc kinh doanh những dữ liệu này, mặc dù chúng tôi không hề làm. Thậm chí họ còn cố gắng buộc tôi chúng tôi là những gián điệp Hồi giáo Tân Cương hay là tình báo Mỹ đang thu thập các tin tức về Triều Tiên.
Sau 7 tháng, tôi và vợ tôi cũng có thể viết thư cho nhau. Nhưng những bức thư phải vượt qua 30m tường chắn bê tông và ba tầng kiểm duyệt của cảnh sát mới đến được tay người kia. Chúng tôi không được phép thảo luận về vụ kiện của mình. Một số thư bị chặn mà không hề được thông báo. Sau 13 tháng giam cầm không xét xử, cuối cùng tôi bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 8/ 8/2014, Ying và tôi bị buộc tội “khai thác bất hợp pháp thông tin của công dân” (nhưng chúng tôi đã không thừa nhận).
Ngay trước phiên tòa, cảnh sát nói với tôi rằng Ying đã được thông báo về cái chết của anh trai cô ấy – Bernard – gần đây. Do vậy khi gặp nhau ở phiên tòa tôi đã bày tỏ sự chia buồn với vợ nhưng qua cái nhìn tôi biết đó là lời nói dối. Cô ấy không hề biết chuyện này. Tôi tin rằng họ làm vậy là để chúng tôi hoang mang. Tôi bị tuyên án 30 tháng tù và Ying là 24 tháng.
…Trở lại nhà giam ở Thượng Hải, tôi bắt đầu tiếp xúc với hai tù nhân Trung Quốc có quốc tịch nước ngoài là: Zhang, một công dân Áo phạm tội buôn người và Chen, người Thái Lan phạm tội tham ô. Họ là những người được đưa vào phòng giam để theo dõi tôi. Họ theo tôi khắp mọi nơi, lắng nghe các cuộc trò chuyện của tôi và báo lại cho lính canh.
Tôi hỏi họ: “Làm thế nào để giảm án? Hệ thống giảm án quy định như thế nào?” Họ nói rằng: “Ít nhất, nếu ông muốn giảm án, ông phải thú nhận tội trạng của mình”.
“Tôi vô tội và tôi sẽ không thừa nhận bất kỳ tội trạng nào, nếu phải ở lại đây, tôi sẽ dành thời gian để đọc sách. Tôi cần tìm hiểu về hệ thống giảm án phạt”.
Ông Lưu, trưởng phòng giam của tôi đã bảo rằng: “Học tập là một đặc ân chứ không phải là quyền của tù nhân. Ông nên viết biên bản nhận tội và ăn năn với tội lỗi của mình”. Tôi cứ nghĩ mình đã có mối quan hệ tốt với Liu, nhưng đến cả ông cũng nói vậy và tôi thực sự rất thất vọng. “Tôi sẽ không ký bất kỳ điều gì, và tôi cần các biện pháp điều trị y tế cho các bệnh tật của mình bao gồm cả bệnh lý tiền liệt tuyến”.
Zhang dẫn tôi trở lại phòng giam. Gặp những tù nhân khác, họ mỉm cười và gật đầu chào tôi. Trên hành lang có 1 tù nhân Châu Phi đã cố gắng trò chuyện với tôi: “Họ không cho chúng tôi nói chuyện với ông, vì họ nói ông là gián điệp MI6, không ai trong chúng tôi tin điều đó. Chúng tôi đã xem ông trên TV. Ông là người hùng, nếu ông cần bất cứ điều gì hãy nói ra, chúng tôi sẽ giúp ông”. Họ nói và lờ đi lờ đi Zhang và Chen.
..Nhà tù là một cơ sở kinh doanh lý tưởng, họ nhận các mối làm ăn với các công ty. Buổi sáng, buổi chiều và sau giờ nghỉ trưa các tù nhân làm việc trong phòng chung. Tù nhân nam thì đóng gói bao bì. Tôi nhận ra nhiều thương hiệu nổi tiếng như: 3M, C&A, H&M… Rất nhiều công ty không hề biết rằng một phần sản phẩm cung ứng cho họ từ Trung Quốc là đến từ lao động trong tù. Những tù nhân trong các khu khác thì làm việc trong nhà máy sản xuất hàng dệt may và các bộ phận khác. Họ tập trung xếp hàng vào trước bữa ăn sáng và trở về vào buổi tối muộn…”
Dưới áp lực ngoại giao, Peter Humphrey và vợ ông đã được phóng thích vào tháng 6/2015. Tuy nhiên kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, áp lực trong các nhà tù đã giảm bớt. Thêm vào đó, ông muốn khẳng định mình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ mà nhiều cải cách đã được tiến hành, một trong số đó là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do ông khởi xướng.
GSK là một trong những mục tiêu đầu tiên của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có. Cảnh sát Thượng Hải buộc tội các nhân viên của công ty đến từ Anh Quốc này là đã hối lộ hàng tỷ USD cho các bác sĩ. Tất nhiên câu chuyện của Humphrey cũng được công bố. Nó cho thấy một sự suy thoái nhân quyền trầm trọng ở Trung Quốc.
“Sự thú tội” của ông trong quá trình giam giữ và được đài truyền hình quốc gia phát sóng trước khi xét xử hiện là một thủ đoạn phổ biến của chính quyền khi bắt giữ các luật sư nhân quyền và nhiều nhà hoạt động xã hội khác.
Theo Bộ Tư pháp, bên dưới Cục Quản lý Trại giam thì có khoảng 700 cơ sở tương tự trên toàn Trung Quốc. Tỉ lệ bị giam giữ chính thức là 119/100.000 người, với 1.649.804 tù nhân bị kết án, nhưng thống kê này không bao gồm những người bị giam giữ trước xét xử và những người bị quản thúc hành chính. Một báo cáo vào năm 2009 của phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã cho thấy có thêm 650.000 tù nhân khác bị giam giữ trong các trung tâm giam giữ trên khắp Trung Quốc.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc chính thức tuyên bố rằng các trại cải tạo của họ không dùng tới biện pháp tra tấn để thu thập thông tin. Tuy nhiên Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền năm 2015 đã trích dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho thấy việc “tiếp tục sử dụng rộng rãi hình thức lăng mạ và tra tấn của các cơ quan thực thi pháp luật”. Tổ chức này cũng tiết lộ việc “một số tòa án tiếp tục thừa nhận những lời thú tội khi bị ép buộc là bằng chứng, mặc dù luật tố tụng hình sự [của nước này] đã hạn chế việc sử dụng các bằng chứng thu được bằng cách bất hợp pháp”.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn ghi nhận Trung Quốc là một quốc gia “thiếu quy trình tố tụng pháp lý theo đúng luật, chính trị chi phối quyết định của thẩm phán và tòa án, có nhiều vụ xét xử kín, sử dụng lệnh giam giữ trong vi phạm hành chính, không bảo hộ người tị nạn và người xin tị nạn, hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO), phân biệt đối xử với phụ nữ, người thiểu số và những người khuyết tật”.
Hoàng An, theo ft.com
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa