Tinh Hoa

Những ngôi nhà xây từ chai nhựa: Chống nóng, chống mưa và chống lũ

Trong một trại tị nạn ở sa mạc Sahara, một người đàn ông đang cố gắng làm cho những ngôi nhà bền hơn khi ngày đêm phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt – và anh ấy đang sử dụng rác để làm việc này.

Những ngôi nhà ở sa mạc Sahara. (Ảnh: tinduff)

Tateh Lehbib Breica, một người tị nạn Sahrawi sống tại Tindoul, Algeria đang xây dựng những ngôi nhà cho nhiều người tị nạn khác bằng những chiếc chai nhựa chứa đầy cát.

Breica sống tại trại Awserd, một trong năm trại xung quanh khu vực Tindouf, nơi những người tị nạn Sahrawi đã sống hơn 40 năm. Theo BBC, trong suốt cuộc chiến tranh Tây Sahara vào năm 1975, hàng ngàn người bản xứ Sahrawi phải di cư đến Algeria.

Ngày nay, khí hậu sa mạc ở Tindouf rất khắc nghiệt: Những cơn bão, mưa lớn và nhiệt độ có khi lên đến 113 độ C gây nhiều thiệt hại đến những ngôi nhà của người dân nơi đây. Thiệt hại gần đây nhất là một cơn bão năm 2015 đã phá hủy hàng ngàn căn nhà trong khu vực.

Những ngôi nhà làm từ chai nhựa của Breica có cấu trúc bền hơn gạch nung, theo báo cáo của UNHCR. Thiết kế hình tròn của ngôi nhà cũng làm tăng tính khí động học, giúp chống lại những cơn bão.

Mailaminin Saleh, một người dân tị nạn đang sở hữu một căn nhà của Breica nói với ThinkProgress: “Chúng tôi tốn hàng tháng trời để xây dựng những ngôi nhà ở mỏng manh”. Ngôi nhà cũ của Saleh xây từ gạch bùn, đã bị phá hủy sau một trận lũ lụt và cô phải chuyển đến sống trong một túp lều.

 

 

“Nó mạnh hơn và hiệu quả hơn ở đây”, cô nói. “Tôi rất hạnh phúc vì mình đã nhận được lợi ích từ sáng kiến này”.

Một ngôi nhà của Breica đang được xây nên từ những chai nhựa chứa đầy cát. (Ảnh: UNHCR)

 

Năm 2016, sau khi Breica xây ngôi nhà đầu tiên từ chai nhựa dành cho bà ngoại, ý tưởng của anh đã được UNHCR lựa chọn để tài trợ cho chương trình xây nhà cho người dân tị nạn, tờ Middle East Eye đưa tin.

 

 

 

 

 

 

Breica từng nghiên cứu về năng lượng tái tạo khi còn học tại đại học, anh xây dựng ngôi nhà đầu tiên từ khoảng 6.000 chai nhựa gom nhặt được từ khu vực tị nạn nơi mình đang sinh sống và những bãi rác xung quanh. Những chiếc chai nhựa được đóng đầy cát và rơm, sau đó xếp chồng lên nhua, bao phủ bằng xi măng và đá vôi.

 

Những ngôi nhà không chỉ giúp ứng phó lại với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn giải quyết một vấn đề lớn khác chính là chất thải nhựa. ThinkProgress đưa tin, những chai nhựa bị ném vào các bãi rác và không được tái chế xung quanh những khu tị nạn.

 

Nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy và nhiều nhà khoa học ước tính rằng nó không bao giờ bị phá vỡ hoàn toàn.

 

“Chúng ta đều biết rằng, chất dẻo không tự mất đi trong tự nhiên cho đến hàng trăm năm sau”, Lehbib nói với Middle East Eye. “Có ước tính cho rằng con số này là hơn 300 năm, và những ngôi nhà này sẽ tồn tại trong bao lâu, miễn là những chai nhựa không bị phơi nắng”.

 

 

 

Chai chứa cát để xây nhà. Dự án này của Breica không phải là ý tưởng đầu tiên sử dụng chai lọ để xây nhà: ở Eucador, những mái nhà được xây dựng từ chai nhựa vào năm 2014 và năm 2010, một người đàn ông đã dùng những chai bia để xây dựng ngôi nhà của mình tại Argentina.

“Những ngôi nhà này cũng giúp tạo công ăn việc làm ở nơi mà hầu như không có”, Breica nói với tờ Middle East Eye. “Phải mất bốn người để lấy chai, bốn người khác lấp cát, và bốn thợ xây. Cần thêm người chở cát và chai lọ. Chúng tôi đang tạo ra một ngành công nghiệp xung quanh nhà nhựa”.

Ngọc Sam biên dịch