Châu Á hiện nay không có nguy cơ nào thực sự lớn, kể cả ở Trung Quốc, theo giám đốc đầu tư tại Châu Á là Bhaskar Laxminarayan của Pictet Wealth Management.
Theo ông Laxminarayan, nền kinh tế Châu Á sẽ ở mức trung bình, tăng trưởng khoảng 3,5% – 4%, tất cả các thị trường từ Trung Quốc cho đến Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đều ở tình trạng chấp nhận được.
Tất cả các thị trường trong khu vực vẫn kiểm soát được tình hình dù tốc độ tăng trưởng của tiền lương chậm lại nhưng chưa thể khiến các nền kinh tế sụp đổ.
Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn từ năm 2013 cho đến nay khi tình hình tài sản tại các thị trường mới nổi, bao gồm nhiều nước tại Châu Á, bị tác động bởi kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc giảm dần thu mua tài sản từ Tháng 5/2013. Điều này thúc đẩy các quỹ đầu tư rút vốn do lo ngại tính thanh khoản tài sản sẽ bị ảnh hưởng, đây là nguyên nhân khiến các quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai.
Theo số liệu của Barclays, năm 2013 đã có khoảng 14,1 tỷ USD vốn rút khỏi thị trường mới nổi, 14,04 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu. Theo số liệu của Jefferies năm 2014, các quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi thua lỗ khoảng 2,53 tỷ USD nhưng các quỹ đầu tư trái phiếu lại có lợi nhuận khoảng 2,58 tỷ USD. Thống kê cũng cho thấy, các quỹ đầu tư tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã thu hút 74 tỷ USD đầu tư trong năm 2014.
Triển vọng kinh tế vĩ mô tươi sáng
Một số chuyên gia cũng dự báo một triển vọng kinh tế tươi sáng đối với thị trường Châu Á trong năm tới.
Theo giám đốc đầu tư của HSBC khu vực Châu Á là Cecilia Chan, tình hình kinh tế tăng trưởng cùng với lạm phát thấp là một dấu hiệu tốt cho thị trường này. Chuyên gia Chan cho biết, điều đáng quan tâmlà liệu Trung Quốc có giữ được mức tăng trưởng 7,5% hay bị giảm xuống 7%.
Rủi ro của thị trường mới nổi
Một số chuyên gia không đồng ý với những nhận định tươi sáng về thị trường Châu Á.
Theo giám đốc đầu tư Jalil Rasheed của Invesco, có rất nhiều rủi ro trên toàn thị trường Châu Á, bao gồm những vấn đề như Việt Nam cần cải cách hệ thống ngân hàng hay những căng thẳng chính trị tại Thái Lan. Chuyên gia Rasheed lưu ý, hầu hết thị trường khu vực Châu Á vẫn còn là thị trường mới nổi. Khi một thị trường mới nổi không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nữa thì sẽ tạo ảnh hưởng đến thị trường tại các quốc gia khác. Ông Rasheed cho biết, các nhà đầu tư thường có thói quen đầu tư theo đám đông, khi thị trường không còn vẻ hấp dẫn nữa thì việc bán tháo sẽ xảy ra.
Ông Rasheed cũng lo lắng về việc định giá thị trường Châu Á. Trong vài năm qua đã có rất nhiều nguồn vốn đầu tư đổ vào Châu Á và làm tăng giá trị của thị trường này lên mức độ chưa từng thấy.
Trước đây, các công ty đa quốc gia tại Châu Âu được giao dịch ở mức giá gấp 16-17 lần so với lợi nhuận và các chi nhánh của họ tại Châu Á có giá thấp hơn 9 lần. Hiện nay, các chi nhánh Châu Á thường được định giá gấp 35 lần so với lợi nhuậntrong khi khoản định giá của các công ty mẹ gấp 12–13 lần.
Theo giám đốc quỹ đầu tư Invesco là Simon England-Brammer tại khu vực Đông Nam Á, đơn giản là thị trường Châu Âu có nhiều rủi ro hơn trong khi những rủi ro tại Châu Á chưa thể lường trước.
Theo NDH