Hiện nay, Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế trong khi kinh tế Mỹ đã hồi phục nhanh chóng từ sau tình hình ảm đạm năm 2009. Dưới đây là những điều Trung Quốc có thể học hỏi từ Mỹ để khắc phục nền kinh tế của họ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao của nước này tham gia hội nghị thường niên về kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 21 – 24/1. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa ra kế hoạch kích thích trị giá 586 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2014, tình hình kinh tế đã thay đổi. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang làm dần đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư trên thế giới, trong khi nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ một cách rõ ràng chưa từng thấy. Thị trường chứng khoán Thượng Hải phiên Thứ Hai (19/1) giảm 7,7%, mức giảm thấp nhất kể từ năm 2008, nêu bật tình trạng biến động ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu về “Bối cảnh toàn cầu mới” trong hội nghị diễn ra hôm Thứ Ba (20/1) để đảm bảo với các nhà chính trị và đầu tư rằng chính phủ Bắc Kinh vẫn kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang ngày càng trở nên khó khăn.
Kinh tế Mỹ hồi phục nhanh chóng từ sau tình hình ảm đạm năm 2009 trong tình thế dù các chính sách của Tổng thống Mỹ là Barack Obama gây ra nhiều tranh cãi tại Nghị viện, nhưng một sự thật là đồng USD tăng giá và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 5,6% đã nới rộng khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn nếu nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ không hồi phục. Tháng 12/2014, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Giám đốc nghiên cứu kinh tế John Calverley tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng nền kinh tế Mỹ đã hồi phục sau khi bảng cân đối tài chính của nước này được khắc phục, vì vậy Trung Quốc cũng cần khắc phục tình trạng mất cân đối trong bảng cân đối tài chính của mình nếu muốn cải thiện nền kinh tế.
Bất chấp tất cả những tuyên bố về học thuyết “sự bình thường mới”, chính sách ngăn chặn sự gia tăng tín dụng hay mô hình kinh tế đựa vào đầu tư, tình hình tín dụng vẫn bùng nổ tại Trung Quốc khi tỷ lệ cho vay tại đây đã tăng 20 nghìn tỷ USD kể từ năm 2008. Những công ty quốc doanh có nhiều mối liên hệ tốt với chính phủ Trung Quốc đang tận dụng những kẽ hở luật pháp để vay vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng đen. Những lo ngại về việc hệ thống tài chính sụp đổ đã bắt đầu xuất hiện khi bong bóng của thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu xì hơi. Nợ xấu tại Trung Quốc đã tăng lên mức 11,7 tỷ USD trong riêng quý 3/2014.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ bắt đầu hồi phục khi nước này thực sự giải quyết tình trạng dư thừa tín dụng và thiết lập một giải pháp nhằm cân bằng bảng cân đối tài chính từ tình hình dư thừa tài sản xấu hiện nay. Tuy nhiên, thay vào đó thì hiện nay Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình đang trì hoãn việc phá sản của các doanh nghiệp lớn mà các nhà đầu tư đều hiểu rằng đây chỉ là vấn đề thời gian. Tình trạng khó khăn của Tập đoàn Kaisa, có thể là tập đoàn bất động sản đầu tiên của Trung Quốc phá sản, do các khoản nợ bằng đồng USD tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Một điều mà các nhà lãnh đạo tại hội nghị ở Davos lo ngại là 62% trái phiếu bằng đồng USD phát hành tại thị trường Châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản năm ngoái, trị giá 244,4 tỷ USD trong tổng số 392,5 tỷ USD, là của các công ty Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc cần có những động thái phân phối lại lợi nhuận trong nền kinh tế tương tự như Mỹ, một quyết định của Tổng thống Obama vốn đối mặt nhiều chỉ trích. Để có thể thúc đẩy tiêu dùng, Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế thông qua việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, tăng cường quyền lợi cho công nhân và xây dựng một hệ thống xã hội an toàn. Ông Obama đã thực hiện mục tiêu cuối cùng trên thông qua dự luật y tế mới, còn Trung Quốc có thể sử dụng một phần trong dự trữ ngoại hối 3,8 nghìn tỷ USD để cải thiện hệ thống y tế và giáo dục. Tuy nhiên, thay vào đó thì Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây lại đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1,1 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi kế hoạch kích thích kinh tế năm 2009, qua đó đem lại lợi nhuận cho những người có mối liên hệ mật thiết trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiều hơn là cho những hộ gia đình bình dân, đồng thời kế hoạch này cũng làm gia tăng nợ công của chính phủ Trung Quốc.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tốt hơn nên để nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế lại cho thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên. Tương tự như việc ông Obama ủy thác nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chính phủ Bắc Kinh nên tin tưởng ủy thác cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không làm gia tăng nợ của quốc gia. Với mối đe dọa từ nguy cơ giảm phát, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ sử dụng tất cả những biện pháp hỗ trợ tiền tệ mà Thống đốc Chu có khả năng cung cấp nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính của những người đi vay.
Trung Quốc không đơn giản đưa Thủ tướng của họ đến hội nghị tại Davos mà có nhiều mục đích. Năm 1992, chuyến thăm bí mật của Thủ tướng Lý Bằng thời đó đã đưa Trung Quốc thoát khỏi thời kỳ đen tối sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Năm 2009, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Ôn Gia Bảo đã tham dự hội nghị kinh tế thế giới trong tình hình Trung Quốc đang nổi lên như một kỳ tích Châu Á. Tuy nhiên, lần này các quan chức Mỹ có vẻ sẽ gây được sự chú ý nhiều hơn là ngài Thủ tướng Lý Khắc Cường. Mặc dù vậy, thay vì không vui thì ngài thủ tướng Trung Quốc nên suy nghĩ lý do tại sao Mỹ lại được chú ý nhiều hơn như vậy.
Theo NĐH