Được đánh giá là có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, người tuổi Thân luôn là nhân vật “đáng gờm” có thể thành công trên nhiều lĩnh vực. Cùng điểm lại một số nhân vật xuất chúng cầm tinh con khỉ.
Tỷ phú gốc Việt – Hoàng Kiều (Giáp Thân)
Ông Hoàng Kiều sinh năm 1944 (Giáp Thân) tại một ngôi làng ở Bích Khê, Quảng Trị. Ông Kiều có một tuổi thơ cơ cực, nghèo khó. Đến năm 1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Los Angeles, Mỹ với hai bàn tay trắng.
Xuất phát điểm khó khăn và rất muộn (31 tuổi), nhưng con đường thăng tiến, phát triển sự nghiệp của ông Kiều lại như vũ bão.
Từ mức lương 1,25 USD/giờ nhận được trong ngày sinh nhật, 6 tháng sau ông đã ở vị trí giám sát và rồi lên quản lý tại Abbott Laboratories. Ông trở thành giám đốc phụ trách kiểm tra các mẫu huyết tương tại công ty này.
Đến năm 1985, hãng sản xuất huyết tương Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) do ông Kiều sáng lập ra đời và không ngừng mở rộng quy mô. Đến năm 1992, ông Kiều tiếp tục thành lập Shanghai RASS.
Theo cập nhật đến ngày 7/2 của Tạp chí Forbes, ông Hoàng Kiều đang là người giàu thứ 149 thế giới với tổng tài sản ròng lên đến 3,3 tỉ USD. Phần lớn tài sản của ông đến từ Shanghai RAAS (ông Kiều nắm 37% cổ phần), hiện niêm yết tại Trung Quốc.
Với doanh thu 214 triệu USD và vốn hóa 17,7 tỉ USD, Shanghai RAAS xếp thứ 20 trong danh sách Công ty Sáng tạo nhất thế giới và được chọn vào danh sách 200 doanh nghiệp doanh thu dưới 1 tỉ USD tốt nhất châu Á năm nay.
Rất giàu có, nhưng tỉ phú Hoàng Kiều quan niệm: “Đừng nói về cổ phiếu, hay tiền tỉ gì cả. Hôm nay anh có thể là tỉ phú, nhưng ngày mai lại có thể không”.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT (Bính Thân)
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956. Trước khi là doanh nhân, ông Trương Gia Bình là một nhà giáo. Ông nhận học vị Tiến sĩ năm 1982, học hàm Phó giáo sư năm 1991 và từng là trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán Lý tại Liên Bang Nga, trở về nước, ông ấp ủ khát vọng xây dựng một công ty có thể góp phần xóa nỗi nhục nghèo hèn của đất nước.
Năm 1988, ông Bình cùng những người bạn đang làm việc tại Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam đã sáng lập nên FPT với 13 nhân sự đầu tiên, đặt nền móng cho một tập đoàn 25.000 nhân sự, giá trị vốn hóa hơn 19.000 tỉ đồng hiện nay.
FPT coi ông là “người truyền cảm hứng”. Theo đó, các ý tưởng của ông Bình thường rất khác biệt. Với một số người, những ý tưởng đó thậm chí có thể bị cho là “điên rồ”, nhưng ông là người ”xắn tay” để biến những điều tưởng như “điên rồ” đó thành hiện thực.
Hiện tại, ông Bình đang sở hữu khối tài sản hơn 1.300 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán và là người giàu thứ 12 thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Bùi Quang Ngọc – Tổng giám đốc FPT (Bính Thân)
Sinh năm 1956, là Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính, ông Bùi Quang Ngọc là bạn cùng lớp với Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.
Theo lời mời gọi của bạn, ông từ bỏ tương lai xán lạn của một nhà giáo trẻ tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để tham gia thành lập FPT với mong muốn áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm được đào tạo tại Pháp vào các hoạt động thực tiễn tại Việt Nam.
Mặc dù là một nhân vật kỳ cựu tại FPT, song ông Ngọc lại ít được biết đến cho đến khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc FPT vào năm 2013.
Trước đó, ông Ngọc là Phó Chủ tịch HĐQT và giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, ông còn tham gia vào ban lãnh đạo của Công ty Đầu tư FPT, Đại học FPT và FPT Telecom và có liên quan đến Công ty TNHH Bất động sản BQ.
Sở hữu 14,8 triệu cổ phần tương ứng chiếm 3,72% vốn điều lệ tập đoàn, hiện ông Ngọc đang có 693,4 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán.
FPT đã khắc họa về con người ông Ngọc như sau: “Anh không chỉ là người đứng đầu tập đoàn, là lãnh đạo “thét” ra lửa, anh còn là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều vở kịch trào phúng, là nỗi kinh hoàng trong giờ họp của những tân binh mới gia nhập FPT…”.
Có một câu chuyện đã trở thành giai thoại về “bộ đôi lãnh đạo” tại FPT: “Có lần anh Bình phải ra bằng cửa ngách chạy đi mất, mình nhìn xem ai mà khiến ông chủ tịch phải chạy đi như thế thì thấy anh Ngọc đang chửi” – ông Nguyễn Minh Trung – Trưởng ban truyền thông FIS của FPT kể.
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup (Mậu Thân)
Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup vẫn đang được coi là tỉ phú “đô la” đầu tiên của Việt Nam và được Forbes xếp hạng.
Theo cập nhật đến ngày 7/2/2016, ông Vượng giàu thứ 1.118 thế giới với tài sản ròng đạt 1,86 tỉ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 (Mậu Thân) trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em. Cha ông từng là sỹ quan phòng không miền Bắc còn mẹ bán hàng rong. Nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông giành học bổng du học tại Moscow năm 1987 về chuyên ngành kinh tế và địa chất.
Ông khởi nghiệp từ một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Năm 1993 tốt nghiệp cũng là năm ông lập nên thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền.
Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Sau đó, thương hiệu này trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Nguyên liệu sản xuất mỳ được nhập từ Việt Nam và Đài Loan.
Những năm 1997 – 1998, ông Vượng chia sẻ chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng đến năm 2000, ông quyết định về nước làm ăn với lĩnh vực bất động sản. Sau 15 năm, Vingroup trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất nước, đầu tư không chỉ bất động sản mà còn hoạt động mạnh tại lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp…
Với 532,4 triệu cổ phần nắm giữ tại Vingroup, ông Vượng có gần 25.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán và đang là người giàu nhất Việt Nam hiện tại.
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương (Mậu Thân)
Ông Dương Ngọc Minh sinh năm 1968 (Mậu Thân) tại TP.HCM, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương và là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP. Ông Minh đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch của Công ty Hùng Vương từ năm 2007 đến nay và được mệnh danh là “vua cá” của Việt Nam.
Những năm 1980, ông Minh từng giữ chức vụ giám đốc tại một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thủy sản. Dưới sự lãnh đạo của ông Minh, công ty này nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu hơn 30 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, đến năm 1995 khi tỉ giá USD biến động chóng mặt khiến những món nợ nhập khẩu máy móc, thiết bị trở nên quá sức chi trả, doanh nghiệp vỡ nợ, rồi dẫn tới phá sản.
Ông Dương Ngọc Minh bị buộc tội gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, cộng thêm tội lập quỹ trái phép và lãnh án 10 năm tù. Sau 6 năm cải tạo, ông được đặc xá trước thời hạn. Ra tù, ông lập công ty mới và dần trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam.
Hiện tại, với sở hữu gần 32% vốn điều lệ CTCP Hùng Vương, ông Minh có gần 765 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán. Có thể nói, ông là một trong những doanh nhân lận đận nhưng cũng tài năng và nghị lực nhất cho đến nay.
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Kinh Đô (Mậu Thân)
Ông Trần Lệ Nguyên sinh năm 1968 (Mậu Thân), ông là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Ki Do (tiền thân là CTCP Kinh Đô).
Từ những năm 1990, ông Nguyên đã thuyết phục được anh trai là Trần Kim Thành thế chấp toàn bộ nhà cửa để vay ngân hàng, cộng với vay thêm bà con để nhập máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bắt đầu tiến vào lĩnh vực bánh kẹo.
“Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết” – ông Nguyên từng chia sẻ.
Năm 1993, Công ty TNHH Kinh Đô ra đời, sau đó là Công ty Kinh Đô Miền Bắc. Từ công ty gia đình, công ty chuyển sang mô hình đại chúng năm 2002 và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2003, Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall của Unilever và đổi tên thành Kido’, sau đó đầu tư vào Nutifood, Tribeco…
Năm 2015, tập đoàn này đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Ki Do và chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô gắn liền với các sản phẩm bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International.
Hiện tại, ông Nguyên đang sở hữu 25,93 triệu cổ phần tại Ki Do, tương ứng chiếm 12,6% vốn điều lệ tập đoàn này. Với số cổ phần trên, ông Nguyên có 784 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, đứng thứ 18 trong Top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyên hiện nay còn là Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Rồng Việt, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, Thành viên HĐQT Công ty cổ Phần Địa ốc Kinh Đô, Thành viên HĐQT Bất động sản Exim; Ủy viên Hội đồng quản trị Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal (Canh Thân)
May mắn sinh trưởng trong một gia đình doanh nhân – cha là nhà sáng lập ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành, mẹ là “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Thị Bích Ngọc, nhưng Đặng Hồng Anh lại tự lập từ sớm.
Sinh năm 1980 (Canh Thân), năm 18 tuổi, Đặng Hồng Anh khởi nghiệp từ một cửa hàng bánh canh cá ngay tại trường học với số vốn ban đầu chỉ 5 triệu đồng. Lúc này, anh vừa là ông chủ, vừa là nhân viên bưng bê, tạp vụ…
Một năm sau, Hồng Anh bỏ quán bánh canh cá, chuyển sang kinh doanh cây cảnh. Ngày thường, anh buôn bán các loại cây cảnh, nhưng đến Tết lại chuyển sang mua bán mai, đào, quất…
Ngoài năm 20 tuổi, sự nghiệp kinh doanh mới chính thức bắt đầu khi dấn thân vào nhiều lĩnh vực: bất động sản, ngân hàng, mía đường… Từng là Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín Sacomreal (SCR), mới đây, anh đã rời khỏi HĐQT công ty vì lý do cá nhân và tập trung hỗ trợ cho SCR ở mức cao hơn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Hiện tại, Đặng Hồng Anh đang có 9,7 triệu cổ phần tại Sacombank và 23,8 triệu cổ phần tại Sacomreal. Tuy lượng tài sản cổ phiếu đã giảm đáng kể so với trước, song ông vẫn còn 330 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán.
Ngoài kinh doanh, Đặng Hồng Anh còn là một vận động viên thể thao và có một thời gian dài ở trong đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp của quốc gia. Từng vô địch quốc gia các cây vợt xuất sắc ở bộ môn tennis năm 1998 và hụt thi đấu SEAGames 20; sau này, khi đã rời thi đấu thể thao, anh vẫn thường xuyên xuất hiện trong các giải golf.
Theo Danviet