Là 1 trong 10 thảm họa báo hiệu tận thế được nhắc đến trong Kinh Thánh, đại dịch châu chấu là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho mùa màng và người dân ở khắp nơi trên thế giới, trong suốt lịch sử lâu dài của nhân loại.
Đại dịch châu chấu kinh hoàng ở Madagascar năm 2014
Ngày 28/8/2014, người dân cũng như du khách ở thủ đô Antananarivo, Madagascar lại đối mặt với nỗi hoảng sợ khi hàng tỷ con châu chấu giống như đám mây lớn làm bầu trời tối sầm lại.
Người ta ước tính rằng đàn châu chấu lớn nhất có thể trải dài hàng km và bao gồm hàng tỷ con, bay tập trung với nhau.
Trong 5 năm qua, bầy châu chấu khổng lồ đã thường xuyên càn quét ở hòn đảo ngoài khơi bờ biển Đông Nam của châu Phi này, tàn phá cây trồng và các nguồn cung cấp thực phẩm khác chỉ trong vòng vài giờ.
Kể từ khi hoạt động phun diệt bắt đầu vào tháng 11/2013, số lượng châu chấu trên 1,2 triệu ha đất ở khu vực này đã được kiểm soát. Nhưng bất ngờ chúng lại tràn qua thủ đô Madagascar trong ngày 28/8 vừa qua. Toàn bộ các con đường, khu dân cư, quảng trường…. đều phủ kín châu chấu.
Cột lốc xoáy châu chấu cao hơn 300m ở Bồ Đào Nha năm 2014
Mới đây, tháng 5/2014, cô Ana Filipa Scarpa, một nhiếp ảnh gia chuyên về động vật hoang dã, đã vô tình chụp được hình ảnh một trận lốc xoáy kỳ lạ khi đang ở Vila Franca de Xira, phía Bắc thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha.
Ban đầu, cô Ana cứ nghĩ đó là một cơn lốc gió. Tuy nhiên, ngay sau đó, cô nhận ra đó là cột lốc xoáy cao tới 305m do châu chấu đỏ tạo nên khi chúng di chuyển.
Đại dịch châu chấu kinh hoàng tại Madagascar năm 2013
Ngày 26/3/2013, Cơ quan Lương nông quốc tế (FAO) đưa ra báo động về tình trạng trầm trọng của nạn châu chấu ở Madagascar và cho biết cần nhiều triệu USD cho công cuộc cứu đói.
Hàng tỷ con châu chấu tràn ngập trên phân nửa quốc gia này. Hàng đàn châu chấu bay như những đám mây, đáp xuống đâu ăn trụi hết cây cối hoa cỏ. Ông Alexandre Huynh, nhân viên FAO làm việc tại thủ đô Antananarivo, Madagascar, nói rằng: “Ở đâu cũng thấy châu chấu, lái xe đi hàng dặm vẫn chưa ra khỏi một đàn châu chấu và chúng bám lên kính xe không còn nhìn thấy đường”.
Đàn châu chấu này sau đó lan sang nhiều nước khác trong khu vực như Ai Cập, Israel. Các nước này đã phải huy động máy bay để phun thuốc trừ sâu trên không và mặt đất nhằm tiêu diệt đàn châu chấu
Châu chấu hoành hành ở Australia năm 2010
Tháng 4/2010, vô số đàn châu chấu đã tung hoành trên một khu vực ở phía đông xứ sở chuột túi, phá hoại hoa màu, nông trại khiến nước này phải lập hẳn một Ủy ban Thảm họa châu chấu.
Lũ châu chấu không chỉ kiếm ăn trên đồng cỏ mà còn phá hủy cả những cánh đồng ngũ cốc. Đại dịch châu chấu này đã phá hủy diện tích lên tới gần 500.000 km2, với mật độ khoảng 10 con/m2.
Chúng có mặt ở khắp mọi nơi và làm ảnh hưởng tới các hoạt động thường nhật. Chúng lao vào mặt người đi đường, tràn vào các sân vận động, thậm chí cả đường băng máy bay.
Đại dịch châu chấu ở Tây Phi năm 2004
Năm 2004, dịch châu chấu sa mạc đã tràn vào Tây Phi dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực tại đây. Những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là Senegal và Mali.
Fakaba Diakite, trưởng ban phòng chống dịch châu chấu Mali cho biết đã có 42 đàn châu chấu đổ bộ vào đất nước này. Một đàn châu chấu có đến 80 triệu con trong một dặm vuông và đi được 80 dặm một ngày và chúng có thể tiêu diệt hoàn toàn một mùa vụ chỉ trong vài phút. Mali đã phải phun thuốc diệt côn trùng cho diện tích khoảng 800.000 hécta vụ mùa.
Thảm họa châu chấu ở Nga năm 2001
Tháng 6/2001, Cộng hoà Dagestan phía bắc nước Nga đã phải điêu đứng trước thảm họa châu chấu khi từng đàn đông tới hàng trăm triệu con tràn qua và tàn phá một vùng nông nghiệp rộng lớn.
Chỉ trong vòng 1 tuần, lũ côn trùng này đã phá huỷ hơn 28.300 ha đất đồng cỏ. Củ cải đường và ngũ cốc bị hư hại nặng nề. Hơn 80.000 ha đất trồng đã bị châu chấu hoành hành và diện tích nhiễm sâu hại tăng cao. Gần 2 triệu USD đã được chi ra để đối phó với đại dịch này.
Một triệu con châu chấu cần lượng thực vật tương đường với 10 con voi/ngày. Vậy mà trong vòng chưa đầy 1 km2, có đến 80 triệu con châu chấu. Người ta đã phải huy động máy bay và trực thăng để phun thuốc trừ sâu lên các cánh đồng.
Ngoài ra cùng thời điểm đó các khu vực lân cận như cộng hoà Georgia, Azerbaijan và Kazakhstan và Trung Quốc cũng chịu chung thảm họa châu chấu kinh hoàng này.
Theo phunutoday