Theo một phần nội dung được số hóa của Cuộn Sách tìm thấy tại vùng Biển Chết, con thuyền Noah khá khác biệt với quan điểm được nhìn nhận hiện nay. Tư liệu 2.000 năm tuổi này có thể là bằng chứng cho thấy con thuyền có hình dáng một kim tự tháp.
Hơn 50 năm về trước, một người du mục Ả-Rập đã ngẫu hứng ném hòn đá vào một hang động và điều này đã vô tình dẫn tới phát hiện khảo cổ lớn nhất của thế kỷ 20.
Người du mục Ả-Rập nghe tiếng viên đá làm vỡ một chiếc bình bằng đất nung. Khi xem xét, anh đã tìm thấy cuộn sách đầu tiên của những cuộn sách tại vùng Biển Chết. Khi tất cả những cuộn và mảnh sách được xếp loại, tổng số lên đến khoảng 800 bản chép tay. Khoảng chừng một phần tư, hoặc hơn 200 bản chép tay là những bản sao Kinh Thánh bằng tiếng Hebrew.
Giờ đây, một phòng thí nghiệm do cục khảo cổ Israel thành lập như một phần của dự án thư viện số Leon Levy về những cuốn sách tại vùng Biển Chết, đã kiểm tra hàng chục ngàn mảnh vỡ từ các cuộn sách bằng một máy ảnh. Mỗi mảnh sách được chụp 28 tấm ảnh ở độ phân giải cao sử dụng các bước sóng ánh sáng khác nhau. Công nghệ tinh vi này cho phép các nhà nghiên cứu có thể đọc những chữ cái và từ ngữ mà trước đây không thể đọc được. Một số mảnh sách mới đây được số hóa đã cung cấp những lý giải mới về các câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh.
Giải mã những “mảnh” sách
Theo trang nhật báo Haaretz của Israel, sự hiểu biết mới nhất về các đoạn nội dung đã thay đổi vốn hiểu biết trước đây của chúng ta về con tàu Noah. Trước đây, từ theo sau cụm từ “chiều cao của con tàu” bị mờ, không thể nhìn rõ dù đã được quan sát qua các bức ảnh chụp có độ phân giải cao. Tuy nhiên, kết quả chụp quét mới nhất cho thấy cụm từ chính xác phải là ne’esefet, có nghĩa là “tụ lại”.
Theo nhà nghiên cứu TS. Alexey Yuditsky, cụm từ này ám chỉ rằng các khung sườn của con tàu Noah đã tụ lại tại chóp đỉnh, tạo nên một hình kim tự tháp. TS. Yuditsky cho rằng Septuagint, một bản dịch tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh từ thế kỷ 3 TCN, đã sử dụng một động từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa tương đồng để miêu tả con tàu Noah. Ngoài ra, các tác giả thời Trung Cổ như Maimonides cũng từng nói rằng con tàu Noah có phần mái nhọn.
Những từ mới được giải mã trên các tấm giấy da cổ xưa từng là bí ẩn trong nhiều thế kỷ, nhưng giờ đây chúng đang cung cấp câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi từng chưa có lời đáp, cũng như tạo ra cả những câu hỏi mới. Trước đây, những câu chuyện về con thuyền Noah được biết đến chủ yếu từ sách Sáng Thế. Tuy nhiên, những cuộn sách tại vùng Biển Chết tìm thấy ở hang Qumran trong sa mạc Judean đã làm sáng tỏ về câu chuyện này.
Con thuyền Noah – Không chỉ là một câu chuyện trong Kinh Thánh
Những cuộn sách tại vùng Biển Chết chứa đựng các thông tin về nhiều đề tài gây tranh cãi và hấp dẫn trong quá khứ, trong đó câu chuyện của Noah và cơn lũ huyền thoại chỉ là một trong số đó. Christos Djonis, tác giả khách mời của tạp chí Ancient Origins, giải thích trong bài báo của ông mang tiêu đề “Bằng chứng của trận Đại hồng thủy – Sự thật hay chỉ là hoang tưởng?” (Phần 1 và phần 2), rằng những câu chuyện về Noah không chỉ là một ghi chép trong Kinh Thánh:
”Câu chuyện về một trận “Đại hồng thủy” được Thiên Chúa giáng xuống (hoặc là các vị thần theo lời kể từ xa xưa trước đây) để tiêu diệt nhân loại vì tội lỗi mà họ gây ra có mặt trong nhiều tôn giáo và nền văn hóa trên thế giới, xảy ra từ giai đoạn lịch sử được ghi nhận sớm nhất. Từ Ấn Độ đến Hy Lạp cổ đại, Lưỡng Hà và thậm chí giữa các bộ tộc Bắc Mỹ Ấn Độ, không thiếu những câu chuyện như vậy và chúng rất giống nhau. Một số những câu chuyện thực sự giống nhau đến nỗi người ta có thể tự hỏi rằng liệu tất cả các nền văn hóa trên hành tinh này đã từng trải qua một sự kiện như vậy (…)
Chỉ sau năm 7000 TCN, khi mực nước biển bắt đầu ổn định, đời sống con người một lần nữa mới bắt đầu trở lại bình thường. Các khu vực ven biển không còn bị bỏ hoang để tìm đến vùng đất cao hơn, ít nhất là đối với hầu hết các nơi, và trong khoảng năm 6000 đến 5000 TCN, một lần nữa chúng ta bắt đầu thấy dấu hiệu của hoạt động con người gần gũi hơn với biển. Liệu đó có phải là một sự trùng hợp rằng lịch sử “được ghi lại” của chúng ta đã bắt đầu chính từ khoảng thời gian này? Có đúng là con người cổ đại quá thô sơ để có thể ghi dấu về sự tồn tại của họ, hoặc những trang đầu trong lịch sử của chúng ta đã bị “rửa trôi” bởi trận Đại hồng thủy trong thời kỳ băng hà cuối cùng? Sau cùng, dường như ngay sau khi các điều kiện khí hậu bất lợi rút đi, con người đã không mất nhiều thời gian để một lần nữa phát triển mạnh mẽ”.
Trên đây là ảnh của Lorenzo Ghiberti chụp các ô cửa trong phòng rửa tội được khắc họa công phu tại Florence, minh họa các cảnh trong Kinh Cựu Ước. Một trong những ô cửa (ở phía trái, thứ hai từ trên xuống) minh họa cuộc sống của Noah, đặc biệt là thời kỳ sau trận Đại hồng thủy khi Noah trở về đất liền với sự giúp đỡ của Chúa. Kỳ lạ thay, con thuyền được mô tả như một kim tự tháp.
Số hóa giải quyết những vấn đề khó hiểu trong hàng thập kỷ qua
Một phát hiện khác từ việc số hóa liên quan tới hai mảnh sách đã làm sáng tỏ một từ khó hiểu trong Kinh Thánh. Chương 39 của sách Sáng Thế mô tả rằng Judah đã có quan hệ nam nữ với con dâu của mình là Tamar như thế nào. Cô đã cải trang làm một cô gái điếm, và cô nhận được ấn tín, chiếc gậy ba-tong và “ptil” như một sự đảm bảo thanh toán. Sau nhiều thế kỷ tranh luận về ý nghĩa của từ ptil, các cuộn sách tại vùng Biển Chết cuối cùng đã đưa ra câu trả lời sau đây: ”Ptil là chiếc thắt lưng của ông”.
“Từ ptil được nhắc đến trong Kinh Thánh 10 lần. Ở mọi nơi, chúng ta hiểu nó là cái gì và chức năng của nó là gì, ngoại trừ ptil mà Tamar nhận được. Về điều này, tổ tiên chúng ta đã không thống nhất ý kiến. Nhưng giờ đây chúng ta có một văn bản cổ, muộn nhất là từ thế kỷ đầu tiên, giải thích ý nghĩa của từ ptil này – đó là chiếc thắt lưng mà ông mặc với quần hoặc áo choàng”, Moshe Bar-Asher, chủ tịch của học viện nói.
Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu và phân tích, những cuộn sách tại vùng Biển Chết vẫn còn bỏ ngỏ nhiều điều bí mật.
Theo Minh Báo