“Nước Anh, nước Mỹ hay Đài Loan cũng vậy, các quốc gia này đang dang tay chào đón họ. Nhưng người Hương Cảng đến những nơi đó rồi có lẽ vẫn cảm thấy mình bị bỏ rơi. Đó không phải là chỗ bản ngã họ cảm thấy được thuộc về. Trên những con tàu xa xứ, họ sẽ ngoảnh đầu nhìn lại với sự tiếc nuối và hận thù.”
Ngày 6/7 vừa qua là sinh nhật lần thứ 85 của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, chúng ta đã có dịp nhắc lại câu chuyện về một chính phủ lưu vong nổi tiếng nhất thế giới. Quốc gia này đã bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1951 và lãnh đạo tinh thần của họ phải lưu vong tám năm sau đó. Ngày nay sau hơn nửa thế kỷ bị đô hộ, đã có khoảng 120.000 người Tây Tạng tị nạn khắp các châu lục, và con số này tăng lên khoảng 2-3000 người mỗi năm.
Trải qua hơn nửa thế kỷ lưu lạc, nhiều người Tây Tạng sống ở nước ngoài chỉ còn có ký ức mơ hồ về quê hương của mình. Rằng mảnh đất sinh ra họ nằm trên những dải núi cao ngất, với tuyết trắng xóa phủ đầu, những ngôi làng mọc rải rác và các tu viện khắp nơi. Cuộc sống của họ thật thanh nhàn, với việc cưỡi ngựa, cắm trại, lễ hội đầy màu sắc và cả tu hành.
Có lẽ cái cảm giác của những người con phải rời quê hương xứ sở ở bất kỳ đâu cũng giống nhau. Tựa như hai câu thơ của Nguyễn Du viết vì nỗi buồn của nàng Kiều vậy:
“Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”
Và vì vậy, bà Kesang Takla (Bộ trưởng thông tin và quan hệ quốc tế của chính phủ lưu vong Tây Tạng) đã chia sẻ rằng với tư cách là một người tị nạn, bà cảm thấy “trên một phương diện nào đó chẳng bao giờ tôi thực sự cảm thấy mình có một mái nhà dù ở bất cứ nơi đâu”.
Trung Quốc là một mảnh đất kỳ lạ. Đó là nơi sản sinh ra những hiền tài và cũng là nơi không thể chứa đựng những hiền tài ấy. Nói đâu xa, nhìn vào những người Minh Hương sống ở Sài Gòn nay thì biết. Tổ tiên của họ cũng là những người Tàu lưu lạc vì không chịu làm thần tử của tân triều (nhà Thanh), chấp nhận đến nước Nam tị nạn và đã có công lớn giúp khai phá mảnh đất Nam Bộ. Họ cũng đóng góp lớn vào nền kinh tế chung của đất nước trong thời cận đại lẫn hiện đại ngày nay. Tầm nhìn và văn hóa của họ đã làm cuộc sống của người Việt trở nên phong phú hơn và văn minh hơn. Thế nên mới có câu ca dao rằng:
“Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.”
Đài Loan cũng có thể xem là một nhóm người Trung Quốc phải sống lưu vong. Nét đẹp trong ứng xử và thành công của họ đã nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng nghịch lý là chính quyền Đại lục không thể chấp nhận họ, thế nên thiên hạ đệ nhất danh ca Đặng Lệ Quân mới phải tiếc hận đến tận cuối đời vì không thể biểu diễn trên mảnh đất bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc cai trị này.
Đó cũng mới chỉ là chuyện xưa. Ngày nay, những bộ phận người Trung Quốc sống lưu vong khắp thế giới đã không chỉ riêng gì người Tây Tạng hay Đài Loan. Đại bộ phận họ vì chịu bức hại, vì bị chà đạp trên chính mảnh đất quê hương của mình mà bất đắc dĩ phải rời đi. Ví như tộc người Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương (Trung Quốc). Dưới chế độ cai trị hà khắc và phi nhân tính của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị hãm hiếp tập thể, đàn ông Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại lao động tập trung, những cô gái bị tiêm thuốc triệt sản, cộng đồng của họ bị đẩy sâu vào những vùng hẻo lánh, văn hóa cùng ngôn ngữ dần bị mai một. Những người tộc này đã phải sống lưu vong ở Siberia (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Kazakhstan, Mông Cổ,…
Bạn biết chăng, họ cảm thấy thế nào? Nếu ai có dịp được nghe Vũ khúc Digan do nghệ sĩ tài năng là Fiona Cheng cùng dàn nhạc giao hưởng Shen Yun Symphony Orchestra trình bày có lẽ sẽ thoáng cảm thụ được nỗi buồn man mác trong đó.
Fiona Cheng và Shen Yun là một phần của một nhóm những người lưu vong nữa bởi sự tàn bạo và độc tài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ là những người tu luyện Pháp Luân Công – một đoàn thể đặc thù bị chính quyền Đại lục bức hại tàn nhẫn. Bản thân cô đã mất đi hai người thân trong cuộc đàn áp này. Cô kể:
“…cha con tôi đã liên tục di chuyển—giống như các Gypsies là nguồn cảm hứng cho Zigeunerweisen của Sarasate—luôn lang thang khắp nơi để tránh bị khủng bố. Tôi liên tục sợ rằng tôi sẽ bị bắt, và tôi không bao giờ hiểu tại sao chế độ Cộng sản Trung Quốc đối xử với chúng tôi như thế này. Có điều gì sai trái với đức tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn”? Tại sao họ đàn áp những người vô tội?
…
Vì vậy, sau khi trải qua tất cả những điều này, tôi cảm giác có mối liên hệ mạnh mẽ hơn về bản nhạc này”.
Cộng đồng Pháp Luân Công ở nước ngoài đã rất thành công trên mảng nghệ thuật, thậm chí ngay cả chính quyền Đại lục cũng phải lo lắng vì họ không thể tạo được một đoàn nghệ thuật có sức ảnh hưởng như ShenYun. Có phải chính vì nỗi đau đáu xa quê ấy là một phần tạo nên cái đẹp trong biểu diễn của họ hay không?
Trong những năm chính trị hỗn loạn ở Việt Nam, chúng ta không khỏi cảm thấy thương cảm khi nghĩ về những con thuyền đưa người Việt đến Hoa Kỳ hay châu Âu. Có một câu chuyện buồn về một cậu bé thầm thương trộm nhớ cô bạn cùng lớp vốn là dòng dõi tư bản miền Nam. Cậu bé ấy đã không thể thổ lộ tình cảm của mình bởi cô gái đã chết khi con tàu vượt biên đưa cô cùng gia đình đến vùng đất mới đã bị lật trên biển Thái Bình Dương, để rồi phần đời sau này cậu không bao giờ dám bước nửa bước vào con đường chính trị. Những người xa quê hương ấy có lẽ cũng có nhiều nỗi niềm khi nghĩ về đất nước, vậy nên chúng ta mới có thể thưởng thức những ca khúc trữ tình của Thúy Nga.
Trong bối cảnh chính trị thế giới như hiện tại, chúng ta không khỏi cảm thấy rằng sẽ ngày có càng nhiều hơn nữa những người Trung Quốc phải rời khỏi quê hương của họ, một cách bất đắc dĩ, vì chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hương Cảng có lẽ là mảnh đất tiếp theo bị nô dịch bởi hồng triều. Thật đáng tiếc cho một thành phố đẹp, nền văn hóa đẹp và con người đẹp ấy. Nhưng chính vì nó đẹp như vậy, nên mới trở thành mục tiêu bị nhuộm bẩn. Người trẻ trên hòn đảo nổi tiếng này đang đốt lên những tia sáng rực rỡ nhất trong cuộc đời của họ vì một nền tự trị, tự do và văn minh.
Ngay tại thời điểm này, họ cũng đang cất lên tiếng hát của mình trong từng ngõ ngách, trong từng phòng giam vì tình yêu đối với xứ sở riêng của họ.
Nước Anh, nước Mỹ hay Đài Loan cũng vậy, các quốc gia này đang dang tay chào đón họ. Nhưng người Hương Cảng đến những nơi đó rồi có lẽ vẫn cảm thấy mình bị bỏ rơi. Đó không phải là chỗ bản ngã họ cảm thấy được thuộc về. Trên những con tàu xa xứ, họ sẽ ngoảnh đầu nhìn lại với sự tiếc nuối và hận thù.
Thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Người có bi hoan ly hợp, trăng có tối sáng tròn khuyết. Trong cái tan hợp ấy sinh ra những nỗi đau không bao giờ có thể khép lại, nhưng thế giới vẫn còn phải chứng kiến bao nhiêu cuộc chia ly như vậy? Mong rằng tất cả sẽ giống như câu chuyện vĩ đại của người Do Thái đã tìm được Đại Hồi hương.
Từ Thức