Ba tháng trước, Google đã tài trợ 542 triệu USD cho Magic Leap, dự án phát triển thiết bị thực tế ảo (AR), nhưng hầu như không có chút thông tin nào được tiết lộ. CEO của hãng Legendary Pictures chỉ úp mở rằng đây sẽ là một sản phẩm khiến thiên hạ “mắt chữ A, mồm chữ O”.
Cuối cùng, tấm màn bí ẩn cũng đã được gỡ xuống sau khi bản đặc tả kỹ thuật của sản phẩm này xuất hiện trên website văn phòng Sáng chế và Tên thương hiệu Mỹ. Nhiều ý tưởng trong bản đặc tả này có thể sẽ không được hiện thực hóa, nhưng cũng không hẳn là bất khả thi.
Những hình vẽ minh họa trích từ tài liệu được công bố trên website của văn phòng Sáng chế và Tên thương hiệu Mỹ sẽ giúp chúng ta hình dung được cấu tạo, cơ chế hoạt động và các ứng dụng thực tế của thiết bị Magic Leap.
Dựa vào hình trên có thể đoán được rằng người dùng sẽ đeo một thiết bị gọn nhẹ có chức năng thu nhận dữ liệu đầu vào (âm thanh, hình ảnh, cử chỉ…) và hiển thị hình ảnh thực tế ảo. Dữ liệu đầu vào sẽ được gửi qua mạng đến hệ thống máy chủ. Các tính toán phức tạp, thao tác xử lý hình ảnh ba chiều, v.v. sẽ được thực hiện tại đó, và kết quả xử lý có thể sẽ được lưu lại trong cơ sở dữ liệu để được truy cập nhanh chóng vào lần sau mà không cần tính toán lại.
Từ lâu người ta đã nghĩ đến một quán cafe trong đó khách hàng sẽ quẹt tay lên mặt bàn để xem menu và chọn đồ uống, nhưng để trang bị màn hình cảm ứng cho từng bàn, và nguy cơ hư hỏng cao khiến ít ai muốn triển khai. Magic Leap sẽ biến điều đó thành hiện thực.
Trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân xem rõ nội tạng của mình và giải thích cặn kẽ về căn bệnh đang điều trị.
Mặc dù rất háo hức trước sản phẩm công nghệ mang tính đột phá này, nhưng hẳn là mỗi người chúng ta đều có thể đoán được những tác động tiêu cực có khả năng hủy hoại cuộc sống của con người mà thiết bị này mang đến.
Châu Xuân