Tinh Hoa

Những câu chuyện ‘cười ra nước mắt’ của diễn viên đóng vai Phật tổ trong phim Tây Du Ký

Những tưởng chỉ có trên phim ảnh, thế nhưng ngoài đời thật, rất nhiều người lầm tưởng Chu Long Quảng – diễn viên đóng vai Phật tổ trong Tây Du ký 1986 là Phật hiển linh, họ thi nhau bái lạy ông, thậm chí có người người dâng hoa quả để tỏ lòng thành kính… 

Chu Long Quảng sinh năm 1939 tại Tây An (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông đã theo học tại Học viện nghệ thuật Lan Châu, khoa diễn xuất. Trong sự nghiệp đi diễn, ông từng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như Tây du ký, Tây An hổ gia, Võ lâm ngoại trưởng, Ngô Thừa Ân cùng Tây du ký…

Nhiều người lầm tưởng Chu Long Quảng – diễn viên đóng vai Phật tổ trong Tây Du ký 1986 là Phật hiển linh… (Ảnh qua Soha)

Ngoài đóng phim, năm 1992 ông cũng từng đảm đương vai trò là Hiệu trưởng Học viện Điện ảnh Đông Phương và cố vấn cao cấp của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Chu Long Quảng chỉ nghỉ hưu khi ông bước vào tuổi 74.

Mặc dù, đã tham gia nhiều tác phẩm nhưng ông lại được khán giả yêu mến và thành công nhất với vai diễn Phật Tổ Như Lai trong Tây Du Ký 1986. Sự thật là cho đến nay, chưa có ai từng vượt qua Chu Long Quảng về thần thái, cũng như tạo hình nhân vật, dù đã trải qua mấy chục năm rồi.

“Đo ni đóng giày” cho vai Phật Tổ

Nói đến cơ duyên với vai Phật Tổ của Chu Long Quảng cũng diễn ra rất không tầm thường, nhiều người tin rằng đây rõ ràng là ý trời. Nhớ lại hôm đó, khi ông đang đóng bộ phim ‘Ngôi nhà gỗ’, thì thầy Hoàng – chuyên gia hóa trang của Học viện điện ảnh Bắc Kinh đã gọi ông qua phòng hóa trang trao đổi. Hôm ấy chính thầy Hoàng cũng là người đã mang ông đến cho đạo diễn Dương Khiết xem xét.

Khi đến nơi, thầy Hoàng mới bắt đầu ngỏ lời hỏi Long Quảng: “Chúng tôi sắp quay phim truyền hình Tây Du Ký, có một vai không biết anh có muốn đóng không?.”

Long Quảng liền trả lời: “Diễn viên mà có vai diễn là điều tuyệt vời rồi, lẽ nào lại không nhận chứ, tôi sẽ diễn vai gì vậy?”. Thầy Hoàng đáp: “Là vai trong Tây Du Ký.”

Khi ấy, ông đã rất đắn đo, Tây Du Ký (1986) có thể nói là vai diễn mà ông không hề biết trước nhân vật mình sẽ đảm nhận là gì, 4 thầy trò Đường Tăng thì chắc chắn không thể do ông đảm nhiệm, do đã từng đọc tiểu thuyết này trước đó, nên ông nghĩ vai còn lại thì chỉ có thể là yêu quái. Nghĩ vậy ông tự nhủ, nếu là vai yêu tinh hoặc nhân vật phản diện nào đó, thì chắc chắn ông sẽ không đóng. 

Chu Long Quảng bên Lục Tiểu Linh Đồng và ‘bồ tát’ Tả Đại Phân. (Ảnh qua Zing)

Ông nói: “Tôi chỉ muốn đóng vai anh hùng, vai chính diện, lẽ nào lại phải đóng yêu ma quỷ quái, không ổn, tôi không diễn đâu.”

Thấy vậy thầy Hoàng mới cho biết, không chỉ có vai yêu quái, còn có vai thần tiên nữa, nghe thầy Hoàng động viên, ông cũng gật gù thử vai diễn này xem sao. Sau đó họ yêu cầu Chu Long Quảng nằm xuống một cái ghế bằng ngà voi. Rồi tổ hóa trang bê nguyên một chậu thạch cao, bôi bôi chát chát lên mặt để tạo hình. Xong xuôi họ nói với ông: “Thế này đi, anh về trước đi, 3 ngày sau quay lại.”

Đúng 3 ngày sau, khi ông quay lại, tổ hóa trang liền đội cho ông một cái mũ giả lên đầu rồi bắt đầu công việc hóa trang. Xong xuôi đâu đó, ông bổng nghe mấy người xung quanh tự dưng bật cười. Họ nói: “Đây chính là Phật Tổ Như Lai rồi, gương mặt phúc hậu đầy đặn, dái tai dài, chuẩn tướng Phật không sai”, lúc bấy giờ ông mới biết, hóa ra nhân vật ‘Thần Tiên’ mình sẽ đảm nhiệm chính là vai Phật Tổ. 

Mãi đến sau này ông mới biết, trước khi quay Tây Du ký, đạo diễn Dương Khiết có từng hỏi hội trưởng hội Phật giáo Trung Quốc. Ông ấy nói: “Các diễn viên khác thì cũng dễ tìm thôi, nhưng có một nhân vật này tương đối khó tìm.”

Đạo diễn hỏi là nhân vật nào, thì ông ấy trả lời: “Là Phật Tổ Như Lai. Bởi Như Lai không có nhiều động tác, chỉ ngồi một chỗ thôi nhưng phải có sự uy nghiêm”. Vì vậy họ đã tìm tổng cộng 16 vị Như Lai, nhưng các vị trước đều không phù hợp cho đến Long Quảng mới là vị Như Lai cuối cùng được chọn.

Xét về mặt hình tượng, ông đã ghi điểm trong mắt đạo diễn. Hơn nữa, trong bộ phim này, là một tay thầy Hoàng thiết kế tạo hình nhân vật. Thầy cũng đã xem rất nhiều tạo hình Như Lai của các diễn viên khác nhưng không thấy ai hợp, đến khi xem tạo hình của ông thì mới quyết định chọn. 

Ông nhớ lại: “Lúc ấy tôi đã là một diễn viên nổi tiếng, muốn mời tôi không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên khi xuất hiện với hình ảnh một vị Phật, tôi như một con người khác, danh lợi trước mắt không còn quan trọng, có một sự thay đổi mà mãi đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao”.

Bị nhầm là Phật thật, dâng hoa quả cho nhưng không dám ăn

Kể về vai diễn kinh điển này, Chu Long Quảng cũng cho biết có rất nhiều điều thú vị mà chính đến bản thân ông cũng không thể ngờ tới. Ông không nghĩ tạo hình của mình lại giống Phật đến như vậy. Từ gương mặt phúc hậu, ánh mắt luôn cười dịu dàng vị tha và giọng nói từ tốn, trầm ấm, Chu Long Quảng thật sự là diễn viên có hóa thân giống Phật nhất, cũng được đánh giá là “Vai diễn Phật Tổ có linh khí nhất”.

Nam diễn viên xuất hiện trong một show truyền hình vào năm ngoái. Ở tuổi 80 ông vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, thích đọc báo và đi làm từ thiện. (Ảnh: Baidu)

Chia sẻ về những lần làm phim ông kể, có lần đãng trí nên mặc nguyên quần áo Phật Tổ và hóa trang ra đường, không ngờ dân chúng nhầm ông là Phật Tổ hiển linh thật nên liền đến trước ông quỳ lạy khiến ông vô cùng bối rối. 

Rồi có hôm, khi vừa hóa trang xong, từ đâu một nhóm thiện nam tín nữ ùa tới chắp tay lạy mặc cho ông có phân bua như thế nào. Đã vậy càng đóng ông lại càng có tướng mạo giống Phật hơn, bởi trong quá trình đóng “Tây Du Ký”, Chu Long Quảng ngày càng tăng cân khiến hình tượng nhân vật của ông càng giống với Phật Tổ.

Có lần ông nhập vai đến nỗi trong một lần hóa trang xong, ông thường tìm đến một góc của ngôi chùa để học kịch bản thì đang nhắm mắt bỗng nghe tiếng người xì xào xung quanh. Mở mắt ra, ông giật mình thấy hàng chục tín đồ đang niệm “Nam mô a di đà Phật” ngay dưới chân ông. Họ tưởng rằng Chu Long Quảng là Phật Tổ hiển linh đang ngồi ở trong Chùa. 

Mãi sau dù biết ông là thành viên của đoàn làm phim song vì bề ngoài quá giống Phật Tổ, nên người dân không “đành lòng” nhắm mắt bước qua. Có người còn dâng cả hoa quả chỗ nam diễn viên ngồi để tỏ lòng thành kính, song cuối cùng Chu Long Quảng đã dâng lại nơi cửa Phật vì không dám mạo nhận.

Buồn cười nhất, cũng ấn tượng nhất là lần đóng cảnh Phật Tổ Như Lai ngồi cùng các vị La Hán. Lúc đó, các vị tiểu tiên thì xếp thành hai hàng, còn ông thì ngồi ở liên hoa đài thuộc vị trí cao nhất. Người dân địa phương khi ấy nghe ngóng ở đâu truyền nhau thông tin rằng có “thần tiên trên trời” đến quay phim ở đây nên lũ lượt kéo đến. 

Nhiều người tưởng lầm ông là Phật Tổ thật nên đến xin bái lạy và cầu may… (Ảnh qua Soha)

Người thì bị bệnh, người thì già cả ốm yếu, rồi mẹ bồng con bế… Họ đều mong được Phật Tổ xoa đầu và ban phước lành cho mình. Khi ấy đạo diễn phải gào ầm lên: “Trời ơi là trời, phim thì vẫn chưa quay xong, sao đã loạn như vậy rồi? Mời họ ra ngoài, mời họ ra ngoài đi!”. Song những người ở đấy vẫn không chịu đi, cứ đứng đợi ở hai bên.

Đến giờ nghỉ giải lao, khi ông vừa kịp mở cửa ra thì người dân đã từ đâu… ào ào lao vào. Vừa vào họ liền xin ông xoa đầu, xoa cánh tay, trẻ con thì xoa bụng.

Rồi cũng vì vào vai Phật Tổ, nên ông cũng từng gặp rất nhiều chuyện thú vị. Chuyện thứ nhất là khi đến Hương Sơn chơi, thấy người ta bán rất nhiều mặt dây chuyền hình tượng Phật, ông đến nhìn kỹ thì mới phát hiện hóa ra hình Phật đó chính là mình.

Chuyện thứ hai là ở Hồ Bắc dự sự kiện, ông muốn đi cắt tóc, nhưng lại không biết đường. Vậy nên đành hỏi thăm một người dân địa phương, rồi nhờ anh ta đưa tới chỗ cắt tóc.

Trên đường đi, người đàn ông ấy cứ lén nhìn Chu Long Quảng. Đến nơi, ông trả 10 đồng, nhưng anh này ngay lập tức từ chối nhận. Thấy thế ông mới nói: “Anh đưa tôi tới chỗ này, tôi gửi anh tiền là đúng rồi”. Nhưng người đàn ông bảo: “Tiền này tôi không thể nhận được, nhận tiền của Phật Tổ là có tội, tôi sao dám nhận”.

Không những có vẻ bề ngoài giống Phật Tổ, Chu Long Quảng cũng là người có tâm đức, ông không màng đến danh vọng mà chỉ mong muốn có cuộc đời bình yên. Cho đến nay, ông vẫn sống cuộc đời điền viên cuối đời bên gia đình và con cháu mà không để ý đến lợi danh, phú quý. Và càng có tuổi, diện mạo của Chu Long Quảng càng có nét giống với vai diễn để đời của chính mình.

Càng có tuổi, diện mạo của Chu Long Quảng càng có nét giống với vai diễn để đời của chính mình. (Ảnh qua 2sao)

Vì vậy nhiều người hâm mộ nhận xét rằng chính sự thân thiện, nhiệt tình và chân thành đó của Chu Long Quảng càng khiến nhiều người ngưỡng mộ và kính trọng ông hơn.

“Mỗi lần tôi ra đường, có người nhận ra lại gọi tôi là Phật Tổ. Họ nói xem phim mà bất ngờ lắm, tự hỏi sao có người giống Phật Tổ trong trí tưởng tượng đến thế”, ông cười kể.

Cuộc sống viên mãn khi về già

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, cuộc sống gia đình của ông cũng vô cùng hạnh phúc bên cạnh vợ và con gái.

Được biết thời trẻ, ông có ngoại hình khá điển trai nên được lòng nhiều phụ nữ. Cũng vì thế, ông chần chừ việc kết hôn, mặc cho gia đình thúc giục. Mãi đến năm 35 tuổi, ông mới tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình là bà Ngô Huệ Phương, họ đã kết hôn với nhau và hiện nay bà đã sinh cho ông 3 người con gái xinh đẹp.

Chu Long Quảng cùng vợ. (Ảnh qua 24h)

Chu Long Quảng luôn hết lời khen ngợi nét xinh đẹp và dịu dàng của bà: “Khi gặp bà ấy, tôi hiểu rằng cuộc sống của mình đã bước sang trang mới. Nhiều người nói bà ấy may mắn cưới được tôi, còn tôi thì thấy người may mắn là mình”.

Chưa kể thời bấy giờ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề, Chu Long Quảng từng bị gia đình thúc giục sinh con trai để nối dõi tông đường, nhưng vợ ông lại toàn sinh con gái. Tuy nhiên, ông bỏ ngoài tai hết, vẫn hết mực yêu thương vợ và 3 con của mình.

“Ai cũng nói phải có con trai để nói dõi truyền thống. Tôi lại hạnh phúc khi có tới ba cô con gái xinh đẹp, hiếu thuận”, ông vui vẻ nói.

Trong gia đình, ông cũng khá đảm đang và nuông chiều vợ, ông không hề xem mình là trụ cột trong gia đình mà tỏ ra coi thường người phụ nữ. Bà Huệ Phương từng tự hào chia sẻ rằng bản thân không biết nấu ăn và cũng không đảm đang, thế nhưng mọi việc bếp núc trong nhà đều do một tay ông lo liệu. Ông không hề than trách bà nửa lời mà tình cảm vợ chồng ngày một thắm thiết hơn.

Thậm chí ông còn đùa rằng gia đình ông có “bốn nàng tiên và một kẻ hầu”. Với Chu Long Quảng, được chăm sóc, lo lắng cho vợ con là điều tốt đẹp nhất mà ông có thể dành cho những người thương yêu.

Hình ảnh hiếm hoi của Chu Long Quảng và con gái. Dù ít chia sẻ nhưng nhiều nguồn tin cho biết ba cô con gái của ông đều rất xinh đẹp và thành công. (Ảnh qua Soha)

“Chúng tôi nắm tay nhau vượt qua nhiều sóng gió. Các con giờ cũng trưởng thành, các cháu rất xinh đẹp và ngoan ngoãn. Chúng tôi không có gì phải nuối tiếc chuyện cũ. Đời người có được mấy lần 40 năm đâu”, ông cười và nói.

Những điều khiến ‘Phật tổ’ Chu Long Quảng cảm thấy buồn phiền

Chu Long Quảng cũng là một người rất sùng tín Phật, điều đó thể hiện qua việc ông chưa hề tự nhận mình là ‘Phật sống’ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Thậm chí những đồ của người hâm mộ dành cho mình, ông cũng không dám ăn mà toàn bộ đem dâng hết lên bàn thờ Phật. 

Vì lẽ đó nên khi thấy rất nhiều phiên bản của “Tây Du Ký” hiện tại được làm ra đều bị chỉnh sửa lại mỗi lúc một nhiều, nội dung ngày càng khác với nguyên tác, cộng với thêm thắt tình cảm con người, cũng như chi tiết hài hước hoàn toàn không còn trang nghiêm như hình tượng của những người tu hành nữa, khiến ông cảm thấy buồn phiền.

Chu Long Quảng cho rằng điều này là rất không thể chấp nhận được. Ông chia sẻ: Tôi biết hiện tại có rất nhiều phiên bản Tây Du Ký được làm ra. Theo tôi, việc làm lại các bộ phim kinh điển không có gì là không tốt, bởi đây là sự sáng tạo và phát triển. Nhưng làm gì cũng cần dựa trên cơ sở của kịch bản gốc hoặc nội dung gốc, chứ không thể sáng tạo mà không có cơ sở.

Ví dụ, chuyện Tôn Ngộ Không yêu đương nhăng nhít, rồi Đường Tăng đến Nữ Nhi Quốc thì mệt quá không thèm đi nữa… là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ những chi tiết này là một sự thiếu tôn trọng với nguyên tác và Phật giáo”.

Ông cho biết thêm: “Nếu muốn làm lại Tây Du Ký, bạn nhất định phải mài giũa, nâng tầm tác phẩm lên từ nền tảng có sẵn. Ngoài ra cũng không được phép bỏ qua yếu tố tôn giáo, bởi vốn dĩ đây là tác phẩm về Phật giáo. Việc để Tôn Ngộ Không, Đường Tăng yêu đương nhăng nhít trong phim là không tôn trọng Phật giáo, bẻ cong những giá trị tín ngưỡng tốt đẹp.”

Xã hội luôn phát triển và đi lên, sự nhận biết của con người về sự vật, sự việc cũng ngày càng sâu sắc. Vì thế khi làm lại một bộ phim, chúng ta nên căn cứ vào kịch bản gốc, rồi từ đó bổ sung, kiến giải những điều còn chưa rõ, đó mới là cách làm đúng đắn.

Chúc Di (t/h)