Tinh Hoa

Những ca bệnh hi hữu vì nhiễm giun chó

Do người nhiễm ấu trùng giun đũa chó không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu nên một số trường hợp đã bị chẩn đoán nhầm khiến quá trình điều trị kéo dài hơn, tốn kém hơn, mắc những di chứng không thể phục hồi như mù vĩnh viển .

Giun đũa chó (tên khoa học là Toxocara canis) ký sinh trong ruột non của loài vật này và đặc biệt thích hợp với môi trường sống tại các vùng nhiệt đới. Mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng.

Do thói quen ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc thực phẩm nhiễm bẩn, nhiều người đã rơi vào tình trạng trớ trêu do giun chó gây ra.

Nhiễm giun chó nhưng phẫu thuật u gan đường mật

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân 60 tuổi tại Hà Nội đã phải cắt một phần lá gan do các bác sĩ chuẩn đoán bị u gan đường mật. Trước khi phẫu thuật, bà có biểu hiện đau bụng, sốt nhẹ nhưng vẫn chủ quan cho rằng do tuổi cao. Khi vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện bà có ổ áp xe trong gan và chỉ định mổ, cắt bỏ vùng bị tổn thương.

Tuy nhiên, sau khi mang phần gan bị cắt bỏ đi giải phẫu bệnh lý, các bác sĩ đã chuyển sang Viện sốt rét ký sinh trùng côn trùng trung ương do nghi ngờ có giun đũa chó làm tổ.

Trả lời về trường hợp này trên VTC, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, phó khoa ký sinh trùng, Viện sốt rét ký sinh trùng côn trùng trung ương khẳng định nguyên nhân gây tổn thương gan là do bị nhiễm giun đũa chó. Thậm chí, 3 ngày sau khi mổ, bệnh nhân vẫn còn kháng thể trong máu dương tính với ký sinh trùng này.

Bác sĩ này cũng cho biết các vùng như gan, phổi tổn thương do nhiễm giun đũa chó rất dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh ung thư. Bởi người nhiễm ấu trùng giun đũa chó không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu; tăng globulin, men gan máu; tăng bạch cầu ưa a xít không thường xuyên. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm.

Để xác định rõ bệnh, các bác sĩ sẽ kiểm tra bằng xét nghiệm huyết thanh học ELISA dùng kháng nguyên ấu trùng giun toxocara, độ nhạy và độ đặc hiệu là 93% và 88% nhằm phát hiện sàng lọc và chẩn đoán sớm.

Giun chó làm tổ tưởng nhầm u não

Năm 2013, trường hợp nhiễm giun sán chó nhưng tưởng nhầm u não của nữ công nhân may Lưu T.T (21 tuổi, Thái Bình) cũng khiến dư luận xôn xao.

Theo báo Sức khỏe đời sống, một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân này xuất hiện liên tiếp các cơn đau đầu vùng đỉnh tăng dần, kèm theo có sốt nhẹ nhưng không liệt, co giật.

Với những triệu chứng trên, T. nghĩ mình bị u não và đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).

Xét nghiệm công thức máu của bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện bạch cầu ái toan tăng cao 20% (bình thường chỉ 0-8%), hình ảnh chụp MRI sọ não không thấy có u hay tổn thương. Tuy nhiên, bệnh nhân lại dương tính với giun đũa chó.

Trường hợp này đã được các bác sĩ kịp thời chuyển sang tại Viện sốt rét ký sinh trùng côn trùng trung ương và phát hiện T. bị tổn thương thần kinh trung ương do nhiễm giun đũa chó.

Theo các bác sĩ, ấu trùng giun đũa chó có thể sống sót trong cơ thể người nhiều tháng đến nhiều năm gây tổn thương tại những nơi chúng đến. Muốn phòng bệnh, các bác sĩ đều đưa ra lời khuyêncần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống chín, đảm bảo nguồn thực phẩm được sơ chế sạch.

Mắt mù, lác không thấy lòng đen vì giun chó

Giun chó ký sinh trên mí mắt

Không chỉ ảnh hưởng đến người lớn, các bác sĩ còn ghi rất nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm giun đũa chó từ vật nuôi trong nhà. Loại giun này đã gây tổn thương đến cơ quan thính giác của nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi.

Theo Vietnamnet, một cậu bé 8 tuổi tại TP.HCM từng mất thị giác do nhiễm giun đũa chó. Sau một thời gian tiếp xúc với vật nuôi trong nhà, mắt cậu bé này mờ dần rồi chuyển gia giai đoạn mù hẳn.

Mắt bé tổn thương do nhiểm giun khi tiếp xúc với chó mèo 

Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết từng gặp một số trường hợp tương tự. Nguyên nhân gây mù mắt của những bệnh nhi nói trên do nang ấu trùng Toxocara canis (trứng giun đũa chó), trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội cũng kể lại một trường hợp bệnh nhân 12 tuổi bị lác mắt hoàn toàn, lòng đen gần như không thấy gì do nhiễm giun đũa chó.

Theo lời kể của gia đình, cậu bé này bắt đầu có dấu hiệu lác mắt khoảng 3-4 ngày trước khi gia đình cho đi thăm khám tại bệnh viện tỉnh. Trước đó, em hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh liên quan đến mắt, hay trúng gió.

Sau khi phát hiện nguyên nhân gây bệnh, cậu bé được điều trị bằng thuốc uống trong 10 ngày thì mắt trở lại bình thường.

Để tránh khỏi hiểm họa này, bác sĩ Nguyễn Văn Đề khuyên các gia đình cần vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, khu vực trong nhà và khu vui chơi của trẻ em. Nếu nuôi chó, các gia đình nên tẩy giun cho loài vật nuôi này.

Nguồn News.zing.vn