Hôm 10/8, một bài báo của Thời báo New York (New York Times) đã đăng những bản vẽ kinh hoàng về các phương pháp tra tấn trong các nhà tù của Trung Quốc gây xôn xao dư luận trên toàn thế giới.
Những miêu tả này không phải là điều gì quá mới mẻ. Các tù nhân trong nhiều năm qua đã kể lại việc tra bị tra tấn trong nhà tù qua những bức tranh, với hy vọng những bức vẽ của mình sẽ nâng cao nhận thức về tình trạng lạm dụng tại các nhà tù Trung Quốc – nơi các tù nhân lương tâm vô tội thường xuyên chịu đựng sự lạm dụng khủng khiếp này.
Trường hợp của ông Lưu Nhân Vượng
Người đàn ông được vẽ trong các bức hoạt họa được đăng trên tờ Thời báo New York là ông Lưu Nhân Vượng, một cư dân 53 tuổi sống tại tỉnh Sơn Tây.
Ông Lưu đã bị kết án oan trong vụ án bắn súng gây chết một cán bộ làng vào năm 2008. Sau khi cảnh sát từ văn phòng Công an huyện Trung Dương tra tấn ông liên tục để ép cung.
Ông bị kết án tử hình vào năm 2010, nhưng bản án của ông đã bị đình chỉ, đến năm 2012, ông được giảm xuống án chung thân. Vào năm 2013, tòa án lật ngược phán quyết và tuyên bố ông vô tội.
Bằng các bản vẽ, ông Lưu hy vọng lan rộng nhận thức về việc chính quyền Trung Quốc sử dụng tra tấn trong các cuộc thẩm vấn như thế nào. Ông cũng đã nhận được gần 1 triệu USD tiền bồi thường từ Tòa án Phúc thẩm thành phố Lữ Lương.
Sau khi trang Paper, một trang tin nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải đưa tin về câu chuyện của ông, phương tiện truyền thông của nhà nước Tân Hoa Xã và nhiều hãng tin khác cũng cho đăng những bài báo tương tự – lần đầu tiên một phương tiện truyền thông chính của nhà nước đưa bài có các hình ảnh về tra tấn.
Khắc họa phương thức tra tấn
Chưa rõ vì sao phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc bất ngờ cho công bố những hình ảnh về tra tấn. Những bức ảnh này đã xuất hiện từ nhiều năm nay trong các báo cáo nhân quyền, các bài báo trên phương tiện truyền thông nước ngoài, và trong các báo cáo tường thuật của các cựu tù nhân để phơi bày thực tế việc cảnh sát Trung Quốc sử dụng tra tấn có hệ thống trong các nhà tù.
Đặc biệt, các học viên Pháp Luân Công, những người thực hành một môn thực hành thiền định hòa ái nhưng lại bị chính quyền Trung Quốc đàn áp, đã dẫn chứng rất nhiều hình thức tra tấn mà họ đã phải trải qua tại các trại giam ở Trung Quốc – nhiều phương thức trong số đó tương tự như những gì ông Lưu đã trải qua.
Pháp Luân Công đã từng được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc bởi môn tập này giúp tăng cường sức khỏe cho người tập thông qua một số bài tập nhẹ nhàng và khuyến khích con người tuân theo những nguyên lý đạo đức Chân, Thiện, Nhẫn. Tuy nhiên, do sự lan rộng nhanh chóng của môn tập, lãnh đạo Đảng Cộng sản lúc đó là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp môn tập này trên toàn quốc vào tháng 7/1999.
Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt vô cớ, cầm tù, tra tấn rất tàn nhẫn. Có những học viên đã mất mạng do cảnh sát tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần nhằm ép buộc họ ký vào một văn bản từ bỏ Pháp Luân Công.
Nhiều học viên đã kể lại câu chuyện của mình cho các nghệ sĩ, sau đó họ đã thuật lại chúng theo nhiều hình thức khác nhau, từ bản vẽ hoạt họa đơn giản đến tranh sơn dầu tỉ mỉ. Trang web: Minghui.org, một trang tin về Pháp Luân Công đã sưu tập hàng chục hình ảnh minh hoạ chân thực về hành động tra tấn trong nhà tù Trung Quốc.
Tất cả những người bất đồng ý kiến, các nhà hoạt động nhân quyền, và tín đồ tôn giáo đều bị chính quyền Trung Quốc dùng một loạt các phương pháp tra tấn tàn bạo hoặc nhục hình mà không hề tuân theo các điều luật quốc tế về nhân quyền.
Tại nhà tù Mã Tam Gia, các học viên đã nói về việc cảnh sát dùng dùi cui điện để sốc điện bộ phận sinh dục và ngực của các tù nhân nữ cũng như làm nhục họ như thế nào.
Tại Mã Tam Gia, các nữ học viên Pháp Luân Công cũng bị lột sạch quần áo và bị ném vào các xà lim giam giữ nhiều tù nhân nam khiến họ bị hãm hiếp tập thể.
Các nghệ sĩ, những người đã từng bị tra tấn vì luyện tập Pháp Luân Công, cũng đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật để vạch trần sự tàn bạo của chính quyền. Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật Chân, Thiện, Nhẫn đã giới thiệu nhiều bức tranh miêu tả cuộc đàn áp với nhiều tác phẩm được vẽ bởi chính các nghệ sĩ đã từng bị tra tấn trong cuộc đàn áp. Triển lãm đã lưu diễn ở trên 900 thành phố và 50 quốc gia trong một thập kỷ qua và nhận được sự hoan nghênh của nhiều khán giả trên toàn thế giới.
Giáo sư Trương Côn Luân, một trong những nhà điêu khắc tài năng nhất của nghệ thuật đương đại Trung Quốc, đã trở thành tù nhân lương tâm vì luyện tập Pháp Luân Công. Với một hình thức tra tấn đặc biệt tàn ác, ông bị bắt phải ngồi xổm cả ngày và đêm trong một cái lồng mà không được động đậy hay nói chuyện. Sau khi được ra khỏi nhà tù, ông đã vượt qua đau thương bằng những tác phẩm nghệ thuật, phối hợp với Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế về Chân Thiện Nhẫn.
Ngoài những hình ảnh minh họa, tranh vẽ, và các tác phẩm điêu khắc, còn có những biểu diễn minh họa chống tra tấn bằng cách diễn lại các cảnh tra tấn trên các đường phố khắp nơi trên thế giới.
Thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau, các tù nhân bị tra tấn ở Trung Quốc vẫn đang chiến đấu để những người dân Trung Quốc vẫn đang thờ ơ hoặc không biết, cũng như cộng đồng quốc tế biết được sự tàn ác của chính quyền Trung Quốc.
Theo daikynguyenvn.com